Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới ban hành Công văn 4055/BHXH-CSYT về việc thực hiện khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế.
- Chính sách về hưu trước tuổi mới áp dụng từ 1/1/2021 có gì đặc biệt?
- Từ 1/2/2021, lao động nữ không nghỉ ngày 'đèn đỏ' được nhận thêm tiền lương
Chỉ được hưởng cùng mức chi phí điều trị nội trú
Cụ thể, theo Công văn này, căn cứ khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2008 (sửa đổi 2014), người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng như đi KCB đúng tuyến từ ngày 01/01/2021.
Tuy nhiên, người tham gia BHYT tự đi KCB tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh theo khoản 6 Điều 22 Luật BHYT là trường hợp đi KCB không đúng tuyến nhưng được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB nội trú theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT.
Đồng thời phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Vì vậy, để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó có quyền lợi không phải đồng chi trả đối với các chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT khi đủ điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT, đề nghị BHXH các tỉnh tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ về chính sách BHYT mới có hiệu lực, khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.
Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến và được chỉ định điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trước ngày 01/01/2021, ra viện từ ngày 01/01/2021 trở đi, có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ: các chi phí KCB BHYT phát sinh từ ngày 01/01/2021 được quỹ BHYT chi trả theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT.