Mỗi người bệnh có một bệnh án điện tử; Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP; Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh… là những quy định sẽ có hiệu lực từ 1/3.
- Thủ tướng ra quy định mới, vạn gia đình nhẹ gánh tiền điện hàng tháng
- Nhiều trường đại học đã áp dụng quy định “sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học”
Mỗi người bệnh có một bệnh án điện tử
Đây là thông tin được nêu tại Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử.
Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh.
Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
Quy chế về quản lý mạng lưới tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Thông tư 53/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
Theo đó, TCTD phi ngân hàng phải xây dựng Quy chế về quản lý mạng lưới gồm các nội dung tối thiểu như sau: Cơ cấu tổ chức, nhân sự; Nội dung, phạm vi hoạt động, cơ chế hạch toán kế toán; Hạn mức rủi ro theo từng hoạt động kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và tất cả khách hàng của chi nhánh; Cơ chế quản lý, giám sát của trụ sở chính đối với đối tượng thuộc mạng lưới để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động…
Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP
Theo Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu:
Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên; Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I của thông tư này;
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 8/3/2019.
Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.
Một số biểu mẫu điển hình được thay thế như: Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh; Mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật…
Các mẫu văn bản này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc từ ngày 11/3/2019.
Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự
Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:
Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
Gara ô tô có chiều cao không quá 9 tầng
Đây là một trong những nội dung trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara ôtô do Bộ Xây dựng ban hành quy định tại Thông tư 12/2018/TT-BXD.
Theo đó, quy chuẩn này đặt ra một số yêu cầu đối với gara ô tô như sau: Các gara ô tô mặt đất chỉ được phép xây dựng với chiều cao không quá 09 tầng, các gara ô tô ngầm không quá 05 tầng ngầm (ngoại trừ các ga ra ô tô cơ khí).
Kích thước tối thiểu của một chỗ đỗ xe là chiều dài 5m, chiều rộng 2,3m (đối với chỗ đỗ dành cho xe có người khuyết tật sử dụng xe lăn là 3,5m)…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019