Triệu phú ve chai: Ngày ấy, bây giờ

Xã hội 01/02/2019 13:29

Kể từ khi nhặt được 5 triệu Yen từ chiếc thùng loa cũ, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng vẫn sống giản dị dù gặp nhiều biến cố

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà trọ của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi)  - người phụ nữ hành nghề mua ve chai từng "nổi đình nổi đám" khi nhặt được 5 triệu Yên trong một chiếc thùng loa cũ hồi tháng 3-2014. Căn nhà trọ nơi chị ở nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Quang, quận Tân Bình, TP HCM.

Vẫn bám nghề ve chai

So với 4 năm trước, căn phòng trọ ấy chẳng thay đổi là mấy, vẫn lụp xụp, ngổn ngang ve chai từ trong ra ngoài, ngoại trừ có thêm chiếc tivi và xe gắn máy. Gọi là nhà cho sang, nhưng chẳng khác gì một kho chứa phế liệu. Chỗ ngả lưng của gia đình là trên căn gác nhỏ.

Triệu phú ve chai: Ngày ấy, bây giờ - Ảnh 1

Nơi sinh sống của "Triệu phú ve chai" Huỳnh Thị Ánh Hồng là một căn nhà thuê lụp xụp.

Gặp lại "người quen", chị Hồng vội vàng dọn dẹp đống phế liệu để tìm chỗ ngồi cho khách. Thấy chúng tôi ái ngại, chị Hồng cười trừ: "Số tôi sống khổ quen rồi nên không thể ở nhà cao cửa rộng được".

Chị kể, từ lúc nhận được 5 triệu Yen, điều khiến chị lo nhất chính là gia đình sẽ gặp họa. "Rất nhiều trường hợp trúng vé số, trúng trầm hương nhưng vài năm là rơi vào cảnh tán gia bại sản hoặc gia đình gặp chuyện không hay. Người quen ai cũng dặn tôi, có "lộc trời" thì không nên hưởng một mình, do vậy tôi thường xuyên đi chùa, phát gạo từ thiện cho những người khó khăn hơn mình" - chị Hồng bộc bạch.

Triệu phú ve chai: Ngày ấy, bây giờ - Ảnh 2

Từ lúc nhận được 5 triệu Yen chị Hồng chỉ mua một chiếc xe gắn máy, tivi để tự "thưởng" cho bản thân còn mọi vật dụng trong nhà đều là những đồ nhặt lại từ việc mua đồng nát

Về số tiền 5 triệu Yen nhận được từ công an, chị Hồng đã dùng một nửa để mang về xây lại căn nhà cho ba mẹ, coi như báo hiếu. Phần còn lại, chị chi một ít đi làm từ thiện và mua thêm đồ dùng sinh hoạt. Chị Hồng chia sẻ: "Hiện vẫn còn một ít "lộc trời" đang được vợ chồng tôi gửi vào ngân hàng để phòng khi hữu sự".

Chị cho hay, năm 2016 vựa ve chai nơi chị làm ngừng hoạt động khiến hàng chục phụ nữ từng sống chung với chị rôi vào cảnh thất nghiệp. Thấy vậy, chị bàn bạc với chồng đứng ra mở vựa ve chai, vừa kiếm sống vừa giúp đỡ những người một thời đồng cam cộng khổ. Ý định là vậy nhưng trở ngại lớn nhất khiến chị mất ăn mất ngủ chính là chữ nghĩa không rành. "Lúc trước tôi chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ, làm sao biết tính toán khi số tiền hàng lên đến vài chục triệu đồng?"- chị Hồng, giãi bày.

Cái khó ló cái khôn. Ban ngày đẩy xe mua ve chai, tối đến, chị nhờ con trai dạy học. "Lúc đó nếu không mở vựa ve chai thì mấy chị em sẽ đi khắp nơi, tôi thì không còn mối để bán lại hàng đành liều một lần", chị Hồng kể. 

Triệu phú ve chai: Ngày ấy, bây giờ - Ảnh 3

Một thời làm chủ vựa ve chai cưu mang 20 người đồng hương

Thế là chị thuê một căn nhà vừa làm nơi ở, vừa làm kho chứa phế liệu. Chị còn thuê thêm một căn gần đó làm nơi ở cho 20 người phụ nữ đồng hương làm nghề mua ve chai. Tính ra mỗi tháng, chị phải bỏ ra số tiền hơn 16 triệu đồng để trả tiền thuê mặt bằng. Nhờ nghĩa cử này của chị mà nhiều người đồng hương đã có công ăn việc làm. Chị cũng chịu khó tìm hiểu các ứng dụng công nghệ như Zalo, facebook để thuận tiện việc giao dịch hàng hoá. 

Triệu phú ve chai: Ngày ấy, bây giờ - Ảnh 4

Ngày buôn ve chai, tối chị Hồng tranh thủ học và tập phép toán.

Thèm một lần du lịch đến Nha Trang

Đầu năm 2018, việc buôn bán ve chai gặp nhiều khó khăn. Do chưa tính toán thạo, chị Hồng đã nhiều lần đưa nhầm tiền dẫn đến thua lỗ. Phần do giá mặt bằng thuê quá cao nên chị đành thu gọn lại việc làm ăn, đồng thời giới thiệu những người làm nghề ve chai tìm việc ở những vựa khác.

Từ lúc giảm bớt quy mô làm ăn thì áp lực công việc chị cũng giảm. Buổi sáng chị vẫn đẩy xe đi khắp các con hẻm ở quận Tân Bình để thu mua ve chai. Chiều về, chị phân loại ve chai từ những người bạn hàng. Khi phế liệu đầy nhà thì chị thuê xe tải chở đến các công ty thu mua phế liệu.

Đối với chị, nhờ "lộc trời" mà cuộc sống gia đình đỡ cơ cực hơn. Hiện niềm vui lớn nhất của chị ngoài việc báo hiếu cho ba mẹ là đứa con gái lớn đã có công việc ổn định. Riêng con trai vẫn đang học cấp 1. Mỗi khi ra đường, rất nhiều người vẫn nhận ra chị, gọi chị là "triệu phú ve chai".

Triệu phú ve chai: Ngày ấy, bây giờ - Ảnh 5

Chiếc thùng loa cũ được làm bằng gỗ là vật kỷ niệm quý giá nhất đối với chị Hồng

Trò chuyện với chúng tôi, chị thổ lộ một điều ước đơn giản đến bất ngờ, đó là đưa cả nhà cùng đi du lịch. "Nói thiệt, từ khi lập gia đình đến giờ thì hai vợ chồng làm đầu tắt mặt tối. Thu nhập bấp bênh, lại phải nuôi con nhỏ nên chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đi du lịch"- chị Hồng, chia sẻ.

Nơi mà chị mong muốn đến nhất là TP biển Nha Trang (Khánh Hoà). "Tôi xem tivi thấy biển ở Nha Trang đẹp lắm. Cũng muốn gia đình có dịp ở đó chơi 1 lần là đời mãn nguyện nên sẽ ráng thu xếp".

Với chị, tiền nhiều hay ít vẫn không ý nghĩa bằng hạnh phúc gia đình. Cả nhà được sum vầy và giản dị vui sống như ngày nào là hạnh phúc lớn nhất .

Như Báo Người Lao động đưa tin: Ngày 21-3-2014, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (hành nghề mua ve chai) mua được thùng loa cũ và bất ngờ phát hiện bên trong có chứa 5 triệu yen (khoảng 1 tỉ đồng ). Sau đó một ngày, chị trình báo và nộp cho công an.

Đến tháng 4-2015, chỉ còn vài ngày nữa là số tiền nói trên thuộc về tay chị Hồng (theo quy định pháp luật hiện hành), bất ngờ xuất hiện người phụ nữ tên Phạm Thị Ngọt (ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn), nhận là chủ nhân số tiền này. Bà Ngọt cho biết có chồng tên Efolayan Caleb gốc Nigeria, giảng viên dạy tiếng Anh và từng lao động ở Nhật. Theo bà Ngọt trình bày, khoảng năm 2003 đến 2005, chồng bà dạy tiếng Anh tại Nhật. Năm 2009, chồng bà đến Việt Nam giảng dạy tiếng Anh ở một số trường cấp 2 và trung tâm ngoại ngữ và bỏ quên tiền trong chiếc thùng loa đó.

Tuy nhiên, do những chứng cứ bà Ngọt đưa ra không thuyết phục nên cơ quan chức năng giao số tiền nói trên cho chị Hồng.

Nam sinh lớp 3 trả 44 triệu nhặt được: 'Ông bà dạy không tham của rơi'

Nhặt được chiếc ví chứa đầy tiền, Nhựt Nam chạy nhanh về nhà kêu ông bà nội nghe điện thoại đang đổ chuông trong ví để tìm người đánh rơi.

TIN MỚI NHẤT