Từng duy trì vùng vàng nhưng đến khuya 7/11 huyện Nhà Bè chuyển sang vùng cam, 1 xã thuộc vùng đỏ.
- Nghẹt thở giải cứu nhân viên y tế kẹt trong thang máy ở bệnh viện dã chiến ở TP.HCM
- ĐH Luật TP.HCM chính thức lên tiếng việc giảng viên livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng bị 'tố' phản cảm
Theo VnExpress đưa tin, ngày 7/11, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết công tác phòng chống dịch tại huyện Nhà Bè. Từ đầu tháng 10 đến nay, huyện ghi nhận hơn 2.500 ca dương tính, trong đó có 1.750 ca khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR và hơn 800 ca xác định bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Hầu hết ca nhiễm là công nhân hai KCN lớn là Hiệp Phước và Long Hậu, cư ngụ tại các khu trọ trên địa bàn. Hiện, huyện Nhà Bè có 770 F0 đang điều trị tại nhà, trong đó có 395 ổ dịch hộ gia đình, 19 ổ dịch cộng đồng. Y tế huyện đã cấp phát các túi thuốc A, B và C cho F0. Riêng túi thuốc C, huyện đã cấp phát 100% số lượng. Nhà Bè hiện có 7 trạm y tế lưu động do quân y hỗ trợ, quản lý và chăm sóc F0. Dự kiến, đến cuối tháng 11, lực lượng quân y sẽ ngưng hỗ trợ cho địa phương.
Bác sĩ Nam nhận định huyện Nhà Bè có nhiều KCN, lại có cảng biển, biến động dân cư cao nên nguy cơ xảy ra dịch cao. Áp lực của huyện Nhà Bè cũng là áp lực chung, tương tự các quận huyện có KCN đóng trên địa bàn. Công nhân cư ngụ tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các KCN và khu nhà trọ.
Theo thông tin của Tuổi trẻ, tối cùng ngày, bản đồ COVID-19 TP.HCM (của Sở Thông tin và truyền thông) đã hiển thị huyện Nhà Bè chuyển xuống cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Trước đó, từ ngày bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội (1/10) đến ngày 6/11, huyện này ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình).
Trong 7 xã và thị trấn có 2 địa phương ở cấp độ 2, 4 địa phương cấp độ 3 và 1 địa phương cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao) là xã Phước Kiển. Do đó, huyện Nhà Bè cần nâng cao tinh thần cảnh giác, cần thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm.
Địa phương cũng cần rà soát những trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 để có kế hoạch tiêm cho những trường hợp này. Ngoài ra, nhanh chóng tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các trạm y tế lưu động tương ứng với số lượng F0 mắc mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương.