Trước khi trở nên giàu có, Nguyễn Xuân Đường từng có tuổi thơ nghèo khó, thường xuyên phải ăn cơm độn khoai, độn sắn. Sau đó trong thời gian lao động tại Nga, Đường đã kết hôn với một người phụ nữ gốc Việt tại đây rồi ly hôn, trở về Việt Nam.
- Mẹ kế sát hại con riêng tại Tuyên Quang: "Hành vi phạm tội thể hiện sự côn đồ, hung hãn"
- Bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị vợ cũ thuê côn đồ chém: Truy vai trò bà Trần Hoa Sen
Vụ án liên quan đến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường - Nguyễn Thị Dương (Thái Bình) vẫn đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Phóng viên báo Giao thông đã tìm đến căn nhà của bố mẹ Nguyễn Xuân Đường sinh sống tại phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình để tìm hiểu thêm về sự việc. Theo phóng viên, dù sinh sống trong căn nhà khang trang, tiện nghi nhưng ông Nguyễn Xuân N. (bố của Đường) vẫn không giấu được vẻ buồn bã khi nhắc đến con trai, con dâu mình.
Tuổi thơ khó khăn, thường xuyên ăn cơm độn khoai, sắn
Theo nguồn trên, ông Nguyễn Xuân N. kết hôn với bà Vũ Thị L., năm 1971 vợ chồng ông sinh hạ ra Đường. Ngày đó, ông N. là giáo viên còn vợ làm ở nhà máy tơ Thái Bình. Năm Đường lên 7 tuổi mẹ Đường đã dứt áo ra đi, Đường ở lại với bố.
Ngày đó gia đình ở tập thể, Đường còn có một đứa em gái, cuộc sống của 3 bố con phụ thuộc hoàn toàn vào số gạo ít ỏi được phân phát. Chưa đầy nửa tháng, nhà đã ăn hết gạo, do vậy cơm độn khoai, cơm độn sắn là chủ đạo trong những bữa ăn của 3 bố con.
Khoảng năm 1984, ông N. đi thêm bước nữa. Đến năm 1986, ông và bà hai sinh hạ thêm được một người con trai. Lúc này, Đường và các em vẫn còn nhỏ, chưa phụ giúp được gia đình nhiều, cuộc sống còn hết sức khó khăn, vẫn phải chạy ăn từng bữa.
Khi Đường học hết cấp 2 (lớp 8), gia đình quá khó khăn, Đường được bố gửi về quê nhà ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) để tiếp tục học tập. Thế nhưng sau một thời gian, vì điều kiện gia đình, Đường lại phải quay lại thành phố để theo học lớp bổ túc văn hóa.
Kết hôn và ly hôn người vợ đầu tiên trong thời gian lao động tại Nga
Sau khi học xong, vì không có công ăn việc làm ổn định, Đường ở nhà vài năm rồi xin sang Nga đi lao động.
Ở nước Nga, Đường làm quen với một người phụ nữ gốc Việt, hai người tổ chức đám cưới và có với nhau một đứa con gái.
Cuộc sống xứ người vất vả, Đường chia tay vợ cả, sau đó trở về nước, qua các mối quan hệ ngoài xã hội, Đường quen biết Nguyễn Thị Dương, cũng đã qua một lần đò và hai người nhanh chóng quyết định đến với nhau.
Đám cưới Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương được tổ chức. Sau 1 thời gian, hai người có với nhau một người con trai và mua nhà ở khu vực đường Lý Thường Kiệt sinh sống.
Khoảng năm 2010, vợ chồng Đường chuyển về xây dựng nhà cửa ở địa chỉ mới, số 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Từ đây, Nguyễn Xuân Đường bắt đầu cuộc sống đậm chất giang hồ, bảo kê, cho vay nặng lãi, không ngại hành hung, đe dọa người khác và trở thành một đại ca có máu mặt, nắm trong tay nhiều tài sản ở đất Thái Bình.
Ông Nguyễn Xuân N. còn cho biết, từ khi vợ chồng Đường bị bắt đến nay ông và vợ không thể ngủ nổi. Ông thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng thì mới biết được những việc sai trái mà Đường làm và thấy rất buồn.
Theo thông tin trên báo Đất Việt, liên quan đến vụ án của vợ chồng Đường - Dương, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Công an đã lên tiếng, nên vụ việc này sẽ sớm muộn được làm sáng tỏ.
"Thái Bình vừa thay đổi Giám đốc Công an tỉnh, với quyết tâm sẽ làm đến cùng vụ việc, thì chúng ta nên tin tưởng, theo dõi và giám sát. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng có thể tiếp sức, tăng cường lực lượng cho công an tỉnh Thái Bình trong việc điều tra, cũng vừa để giám sát để đảm bảo vụ việc được làm công tâm, khách quan.
”