Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tại thời điểm này, không có chuyện phong tỏa Hà Nội như một số thông tin trên mạng xã hội.
- Nóng: Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội) dương tính với Covid-19
- Nóng: Chùm ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư liên quan đến 8 tỉnh, thành
Sau khi xảy ra ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã xuất hiện một số tin đồn trên mạng xã hội về việc Hà Nội bị phong tỏa. Theo Hà Nội Mới, trao đổi với báo chí xung quanh thông tin này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, tại thời điểm này, không có chuyện phong tỏa thành phố Hà Nội như một số thông tin đồn thổi trên mạng xã hội.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Hà Nội chỉ khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và hợp tác với cơ quan chức năng để đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch bệnh tuy căng thẳng nhưng các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn thực hiện tốt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, cơ quan ban ngành đang phối hợp để khẩn trương truy vết, cách ly, xét nghiệm đối với các trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần và khoanh vùng các khu vực nguy cơ để sàng lọc. “Cách chống dịch hiện nay là nâng cao cảnh giác, thực hiện nhanh nhất việc truy vết để khoanh vùng phong tỏa nhỏ nhất có thể”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đã cho học sinh các cấp tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới. Đồng thời, Hà Nội cũng chỉ đạo tạm dừng một số dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19 như: Massage, spa, phòng gym, vườn hoa, công viên. Thành phố cũng đã tập trung truy vết, xét nghiệm nhanh các trường hợp liên quan các ổ dịch, khoanh vùng, xử lý kịp thời.
Trong đó lưu ý phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh hơn, hiệu quả hơn, quan tâm tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, tuyên truyền lưu động như: Xe tuyên truyền trong công tác phòng, chống dịch của các quận, huyện, thị xã; phát huy vai trò của các tổ giám sát Covid-19 tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức; huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kể cả người nhập cảnh, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn Thủ đô.
Ngoài ra, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu bổ sung, kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban theo chỉ đạo của Thủ tướng; đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn thiện các văn bản để gửi Trung ương và ban hành kế hoạch khung về công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện; chuẩn bị nguồn lực để tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 trên tinh thần vừa bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước, vừa xã hội hóa nguồn lực thực hiện. Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố bố trí nguồn ngân sách và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai việc mua và tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 trên địa bàn.