Thiếu nữ đẹp nhất làng quyên sinh dưới giếng cổ vì phải làm vợ lẽ

Xã hội 13/09/2019 06:00

Không cam phận làm vợ lẽ, cô gái đẹp nhất làng đã nhảy xuống giếng cổ quyên sinh trước ngày cưới.

Từ nhiều năm nay, một số người lớn tuổi thuộc dòng họ Đặng Đình ở xóm Hồng Thái (làng Hoàng Xá, TT Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn có thói quen thắp hương vào ngày 4/1, khấn tên một người phụ nữ tên Đậu.

Tò mò về chuyện lạ này, chúng tôi tìm đến ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1936), một trong những người dân của xóm, đồng thời là người 'chép sử' của làng Hoàng Xá để hỏi thăm.

Thiếu nữ đẹp nhất làng quyên sinh dưới giếng cổ vì phải làm vợ lẽ - Ảnh 1

Ông Đặng Đình Thiêm - người 'chép sử' của làng Hoàng Xá.

Người đàn ông râu, tóc bạc trắng như cước đang đọc sách ngoài sân, thấy có khách đến, liền mời vào nhà, pha ấm trà mạn, giọng đủng đỉnh: ‘Hai cô uống chén nước, cảm nhận lòng hiếu khách của dân Hoàng Xá đã’.

Nhấp chén trà xanh ngắt, mùi thơm quyện vào gió, thoang thoảng khắp nhà, tôi mở lời khen ngợi.

Ông giáo cho biết, trà đó chưa là gì so với nước trà pha từ nước giếng Ngọc trước đây ở giữa xóm.

Nhiều năm đã trôi qua, ông Thiêm vẫn nhớ như in câu chuyện về nước giếng Ngọc ngọt mát, dân từ các nơi đổ về xin, pha trà vào các ngày trọng đại.

Ông kể, xóm Hồng Thái xưa kia có tên là xóm Vàng. Giữa xóm có chiếc giếng đá ong (bên dưới có nhiều tảng đá ong đắp chồng lên nhau), xuất hiện từ lâu đời. Quanh năm nước ở đây đầy ắp, trong xanh.

Thời đó, con gái xóm Vàng có tiếng là xinh nhất làng, nhất xã. Mọi người cho rằng, do uống nước giếng này mà con gái ở đây ai cũng đẹp. 

Khoảng năm 1880 dòng họ Đặng nhà ông Thiêm có cô gái đẹp, nết na tên Đậu. Qua lời mô tả của các cụ trong họ, cô Đậu có làn da, mắt sáng, môi đỏ như son, tóc dài chấm gót, dáng người thon thả, thanh tú.

Mỗi lần cô Đậu ra giếng gánh nước, không biết bao con mắt dõi theo. Các chàng trai thổn thức, thi nhau lấy lòng, xuống giếng múc nước hộ. Có người xung phong gánh nước về tận nhà. Tuy vậy, cô vẫn chẳng ngó ngàng, nảy sinh tình cảm với ai. 

Một ngày, ông Cử nhân ở làng khác, đã có vợ con, đem trầu cau dạm ngõ, đòi lấy cô về làm vợ lẽ. Vốn thông minh, hiểu biết, cô Đậu lấy làm buồn tủi lắm.

 Trước ngày cưới, đúng đêm gió rét ngày 4/1, cô lặng lẽ nhấc tấm liếp, rời khỏi nhà...

Thiếu nữ đẹp nhất làng quyên sinh dưới giếng cổ vì phải làm vợ lẽ - Ảnh 2

Ông Thiêm đưa phóng viên ra khu vực có chiếc giếng cổ xưa kia.

Sáng hôm sau người nhà không thấy, đổ xô đi tìm cô. Đến giếng, người ta thấy đôi guốc của cô Đậu đặt trên bờ. Nhưng thi thể thì đã nằm dưới giếng. Khi đưa lên, khuôn mặt cô vẫn tươi tắn như thể đang ngủ say.

‘Câu chuyện bi ai về cô Đậu là cho thấy những người phụ nữ thuở trước, bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến, không có quyền quyết định định cuộc đời mình. Từ bé phải răm rắp phụ thuộc, nghe theo sai bảo của cha mẹ. Khi lấy chồng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Mọi cảm xúc của tình yêu đôi lứa, chính kiến của bản thân đều phải chôn vùi.

Những cô gái ấy, may mắn thì rơi vào gia đình tốt, chồng thương vợ. Cay đắng thì chịu cảnh làm lẽ, sống kiếp 'kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng', bị đày đọa. Bởi vợ lẽ ngày xưa mang thân phận hèn kém, thường bị vợ cả chà đạp... Người ta lấy về nhằm mục đích sinh con, đẻ cái, có thêm người phục vụ, làm ruộng’, ông giáo chia sẻ.

Ông Thiêm cho biết thêm, từ ngày cô Đậu mất, người dân cảm nhận nước giếng không còn ngọt mát, hãm trà không còn xanh nữa. Đặc biệt, con gái trong xóm cũng ít người đẹp ‘chim sa, cá lặn’ như trước.  

Ngày nay, trên nền giếng cổ, người ta đã xây nhà, chỉ còn lại một phần dấu tích, bị cây cối um tùm che mất.

Thông tin với VietNamNet, ông Trần Hữu Nhuận - trưởng thôn Hoàng Xá cho hay: 'Hoàng Xá có 3 xóm, xóm Hồng Phong, Hồng Thái và Hồng Thanh. 

Câu chuyện cô Đậu của dòng họ Đặng tôi cũng từng nghe kể. Cách nhà ông Thiêm khoảng 50 mét có chiếc giếng đất. Chiếc giếng này khá rộng. Trải qua nhiều giai đoạn, nay phần giếng đã bị lấp, có gia đình xây nhà lên nhưng vẫn còn một phần giếng cũ'.

Theo ông Nhuận, ngày trước, mỗi xóm có 1 giếng đất, phục vụ việc sinh hoạt dân sinh. 'Đây là loại giếng có đường kính khoảng 30 mét, đào vát lên, bên dưới xếp đá ong. Người ta phải đào cho đến khi vào mạch nước. Được mạch nước ngon thì cả làng vui sướng, hỉ hả, cứ thế gánh về sinh hoạt. Loại giếng này khác với giếng khơi được xây thẳng ngày nay'. 

Trước khi định tự tử, thủ phạm sát hại cả nhà em trai tại Đan Phượng để lại dòng chữ trên tường "Người tôi có điện đừng ai đụng vào không lại chết oan"

Sau khi cầm dao sang nhà ông Hải và truy sát cả gia đình em trai, đối tượng Nguyễn Văn Đông đã trở về nhà thản nhiên ngồi uống nước rồi vào nhà tắm để lại dòng chữ cảnh báo và có ý định tự tử. Tuy nhiên, sau khi được con trai khuyên ngăn, đối tượng lại một lần nữa cầm dao truy sát sang truy sát cả nhà em trai dẫn đến 4 người tử vong.

TIN MỚI NHẤT