Cuộc sống hôn nhân của gia đình ông Học quanh năm trong cái vòng luẩn quẩn khó khăn, kiếm ăn từng bữa. Tết đến, xuân về ngôi nhà ấy vẫn luộm thuộm, nhếch nhác, ông Học cho biết, bao lâu nay nhà ông đón Tết cũng không khác ngày thường, muốn cho các con cái Tết đủ đầy nhưng hoàn cảnh không cho phép.
- Bị chỉ trích, cô dâu 62 tuổi đáp trả: Càng chửi càng vui, càng nhiều người theo dõi
- Cô dâu 62 tuổi: "Tôi là bà già lắm tiền mua trai trẻ, chồng là thằng dân tộc lười biếng"
Chờ họ hàng đến thắp hương mới có 1 cái bánh chưng ăn Tết
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Ngô Khêm, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam để thăm gia đình cặp vợ chồng nổi tiếng chênh lệch đến 43 tuổi. Đó là ông Ngô Thanh Học (79 tuổi) và chị Nguyễn Thị Bích (36 tuổi).
Đám cưới của cặp vợ chồng này từng gây xôn xao cả vùng quê bởi cô dâu lúc đó mới 29 còn chú rể thì đã 72 tuổi, chính vì vậy hai bên gia đình nội ngoại đều phản đối. Nhưng rồi gạt qua tất cả, họ cũng về chung một nhà vào năm 2010, sinh sống cùng nhau và có với nhau 3 người con.
Những ngày này, con xóm nhỏ đang tất bận với những công việc chuẩn bị cho ngày Tết, các con đường trong xóm được dọn dẹp sạch sẽ, tiếng nhạc xuân văng vẳng khắp xóm khiến lũ trẻ con vô cùng thích thú.
Đối lập với không khí vui nhộn ấy, ngôi nhà cấp 4 của ông Học vẫn im lìm, nhếch nhác và luộm thuộm như bao ngày khác.
Phía bên trong, vật dụng sinh hoạt, nấu ăn nằm rải rác giữa sân, không được dọn dẹp. Bước những bước đi nặng nề, có phần khó khăn, ông Học lấy ấm trà rót nước mời chúng tôi.
Tâm sự về gia đình mình, ông Học kể thời gian gần đây ông liên tục bị ốm, sức khỏe ngày càng yếu đi. Lo cho gia đình, dù bệnh nặng nhưng ông cũng không dám nằm viện, phần vì không có tiền, phần vì ở nhà để chăm sóc cho các con.
"Sức khỏe của tôi giờ yếu lắm rồi, mấy lâu nay ốm suốt nhưng không dám đi viện, không có tiền, lại không có ai chăm con. Nhà 5 người giờ chỉ trông chờ vào khoản lương trợ cấp hơn 1 triệu đồng, không biết sang năm con lớn lên lấy gì cho các con ăn học", ông Học thở dài.
Nhắc đến Tết, đôi mắt của ông Học đỏ hoe, nhìn ra phía xa nơi người vợ của ông đang tất bật nấu cơm để cho các con nhỏ ăn tối. Ông kể rằng, những năm qua, đối với nhà ông Tết cũng như ngày bình thường, chẳng khác là bao.
Điều kiện kinh tế không cho phép, chưa một cái Tết nào ông dám bỏ tiền mua cành đào cây quất, thịt lợn cũng không có.
Chiếc bánh chưng ngày Tết trong nhà ông phải đợi anh em họ hàng đến thắp hương để lại mới có. Tết khác với ngày thường là có lẽ gia đình ông bỏ tiền ra mua cần giò heo về dùng.
"Giờ điều kiện như này rồi Tết có gì dùng nấy thôi, quan trọng gì nữa, trong thâm tâm cũng mong muốn cho các con một cái Tết đầm ấm như những gia đình khác nhưng đành chịu…", ông Học buồn bã nói.
"Không mua nổi cho các con bộ đồ mới"
Từ ngày chồng không còn được khỏe nữa, ốm đau liên miên nên không thể đi lượm ve chai như trước, cả gia đình 5 người sống nhờ số tiền trợ cấp, chị Bích trở thành trụ cột chính của gia đình.
Quanh năm bám lấy mấy sào ruộng, hở tay thì chị đi kiếm việc làm thêm. Vì con còn nhỏ nên chị không thể đi làm xa.
Có lẽ nỗi lo lớn nhất của chị bây giờ là 3 người con đang ngày một lớn lên, trong khi chồng ngày một gia đi.
"Nhà tôi giờ nhiều vấn đề lắm, kinh tế khó khăn, công việc không ổn định con thì lớn dần, chồng thì tuổi cao rồi không làm được gì, ốm đau suốt. Cả nhà trông chờ vào đồng lương tháng ít ỏi vừa nhận thì đã hết.
Sang năm hai người con lớn vào lớp một, con út đã đi nhà trẻ rồi, lại thêm bao khoản phải lo nữa. Thật sự rất mệt mỏi", chị Bích chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi Tết của gia đình, chị Bích buồn bã cho biết, năm nào cũng như năm nào có gì đâu, nhà nghèo nên không sắm sửa gì.
Có lẽ Tết với nhà chị Bích là việc được chính quyền địa phương biếu vài yến gạo, được một vài tổ chức từ thiện cho chai dầu ăn, lít nước mắm.
"Những ngày Tết, gia đình người ta sum vầy vui chơi, nhà tôi thì lại im ắng, không mua nổi cho các con bộ đồ mới, nhìn các con mang bộ đồ cũ lòng tôi thắt lại, nhưng đành chấp nhận.
Giờ chỉ nghĩ được là, cố gắng làm việc, kiếm tiền nuôi các con lớn khôn, chuyện khác không còn quan trọng nữa", chị Bích chia sẻ.
Nhìn vợ quanh năm tất bật công việc đồng ruộng, một mình 3 đứa con, trong khi mình đau ốm không làm được gì, thâm tâm ông Học luôn tự giày vò mình.
Ông từng mong, giá như có thêm sức khỏe, đi làm phụ thêm vợ nuôi các con, cho các con cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngồi trên chiếc ghế nhựa đã ngả màu, đôi mắt lim dim suy nghĩ xa xăm, trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, trong thời khắc sắp bước sang một năm mới, già thêm một tuổi, ông mong rằng sẽ có thêm những cái xuân nữa để bên cạnh các con.