Dòng chia sẻ của nam sinh sau khi trượt nguyện vọng 1 tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm 2024 đã khiến nhiều người day dứt, bật khóc.
- TP.HCM: Công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm học 2024 - 2025
- Chính thức xét đặc cách nữ sinh gãy cột sống, phải nằm làm bài thi vào lớp 10 công lập TPHCM
Tâm sự của nam sinh thi trượt lớp 10 Hà Nội năm 2024
Chiều ngày 29/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Từ khi có kết quả, các bậc phụ huynh và thí sinh Hà Nội trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ hân hoan, vui sướng vì con đạt số điểm cao, chắc suất đỗ vào ngôi trường đăng ký NV1 đến buồn bã, thất vọng vì điểm thi của con không như mong muốn và khả năng cao trượt hết các nguyện vọng.
Mới đây, một bài viết được cho là của một nam sinh 2k9 trượt nguyện vọng 1 có dòng chia sẻ khiến nhiều người day dứt, bật khóc.
Bài viết như sau: "Mọi người ơi, con trượt nguyện vọng rồi ạ... Năm nay con đặt nguyện vọng 1 là Yên Hoà, con thiếu 0,25 điểm để đỗ vào ngôi trường con ao ước bấy lâu. Mỗi chiều đi học về con luôn ghé qua trường, thầm mong một ngày sẽ trở thành học sinh của ngôi trường ấy.
Con là một học sinh khá giỏi, điểm luôn đứng nhất nhì lớp. Vậy nên khi biết con trượt Yên Hoà, cả thầy cô lẫn bạn bè đều rất sốc và tiếc nuối. Con cố tỏ ra rằng mình ổn nhưng con rất buồn, nghĩ rằng "giá như mình cẩn thận hơn một chút…". Chỉ 0,25 điểm thôi nhưng dường như cả thế giới trước mắt con như sụp đổ. Con biết con là con một nên bố mẹ kỳ vọng ở con rất nhiều.
Từ khi biết điểm, không khí trong gia đình con chùng xuống. Thầy cô và bạn bè động viên con, mong con học tốt ở nguyện vọng 2. Nhưng bố mẹ con thì khác, họ chẳng nhìn con lấy một lần. Bố mẹ con cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành.
Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất.
Con vẫn cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng con không có khả năng học tập, chỉ xứng hạng trường bét, không nên phí tiền bố mẹ. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe con ạ!".
Sau khi bài viết chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến. Nhiều người động viên nam sinh cố gắng vượt qua, kỳ thi này chỉ là thử thách, đồng thời chỉ trích bố mẹ đã gây áp lực thêm cho con. Đau khổ, buồn chán, thất vọng, tự ti... Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều thí sinh không đạt kết quả thi như mong muốn.
Gia tăng số trẻ rối loạn tâm thần
Theo Th.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E), sau mỗi mùa thi, số học sinh gặp các vấn đề rối loạn tâm thần do áp lực điểm số đến khám, điều trị tại khoa thường tăng lên.
Bác sĩ Chung cho rằng áp lực đối với trẻ thường đến từ quá trình ôn thi trước đó. Điểm số thi không được như mong muốn là "giọt nước tràn ly" khởi phát những bệnh lý tâm thần.
Các bạn học sinh sẽ có phản ứng cấp như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng nề hơn là tìm tới tự sát.
Ngoài ra, ở một số trẻ, khi chịu áp lực điểm thi, có thể tìm tới chất kích thích để giải tỏa như bóng cười, cần sa, các chất hướng thần, đồ uống có cồn…
Nhận biết trẻ đang có áp lực điểm số
Áp lực về điểm thi có thể gây ra nhưng rối loạn tâm thần tùy mức độ khác nhau. Do vậy, việc nhận biết trẻ đang gặp vấn đề áp lực về điểm số để hỗ trợ, giải tỏa là rất quan trọng.
Bác sĩ Chung cho biết dấu hiệu học sinh đang có áp lực về điểm số:
- Thay đổi tính cách: Bỗng trở nên trầm tính, buồn vô cớ, hay khóc, thích ở một mình… là phản ứng thu rút khỏi cuộc sống. Đây là hệ quả của stress, rối loạn lo âu khiến trẻ muốn trốn tránh.
- Bất an, bồn chồn, dễ cáu gắt: Ở một số trẻ sẽ có triệu chứng bồn chồn, bất an, đi lại nhiều, đứng ngồi không yên. Điều này chứng tỏ trẻ đang ở trong trạng thái lo âu.
- Mất ngủ, mệt mỏi: Một số trường hợp trẻ xuất hiện rối loạn giấc ngủ. Trẻ có thể than phiền hay đau đầu mệt mỏi, chán ăn…
Gỡ rối khi trẻ có điểm số thấp
"Khi trẻ có điểm thi thấp, chính bản thân con đã áp lực. Ngoài ra, trẻ còn có những áp lực từ bạn bè (đồng trang lứa), người quen, họ hàng, xã hội đánh giá... Do vậy, gia đình, thầy cô cần là những người hỗ trợ cảm xúc nhiều cho trẻ trong giai đoạn này", bác sĩ Chung lưu ý.
Điều quan trọng nhất đối với các phụ huynh/thầy cô là ứng xử phải hết sức tế nhị.
Thứ nhất, bố mẹ/thầy cô giáo cần biết được năng lực của con, học trò của mình; tránh việc kỳ vọng quá mức, không thực tế.
Thứ hai, phụ huynh/thầy cô cần tế nhị trong việc hỏi thăm liên quan tới điểm số. Sự tế nhị sẽ thể hiện sự chấp nhận thay vì so sánh, đánh giá.
Theo bác sĩ Chung, việc hỗ trợ cảm xúc cho trẻ rất cần có sự quan tâm, sẻ chia của bố mẹ. Trong trường hợp này, bố mẹ nên chấp nhận điểm số thi không thay đổi được. Tuyệt đối không phán xét, so sánh kết quả điểm số hay những gì con chia sẻ.
Để phòng ngừa trường hợp đáng tiếc xảy ra do rối loạn tâm thần liên quan tới điểm số thi, bác sĩ Chung gửi gắm: "Các bậc phụ huynh cần nhớ một điều - con cái là để chăm sóc, bao bọc, chăm chút. Con cái sinh ra không phải để bố mẹ kỳ vọng, đặt áp lực. Vì vậy, nên giữ tình cảm với con từ những ngày đầu tiên khi con mới chào đời".