Liên quan đến vụ tài xế xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không và tài xế xe Grab thương vong, ngày 22/4, tại phiên toàn phúc thẩm, bị cáo khai nhận sử dụng bằng lái giả để thuê xe. Khi biết 1 nạn nhân đã tử vong thì lên Đà Lạt và vứt hết giấy tờ. Được gia đình động viên nên ra đầu thú.
Theo Thanh Niên, ngày 22/4, TAND TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Trần Hoàng Phong (SN 1988, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đã bị toà sơ thẩm TAND quận Phú Nhuận tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội danh trên.
Được biết, đây là đối tượng tài xế xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (31 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) thương tật 79% và ông Lê Mạnh Thường (64 tuổi, tài xế GrabBike, tử vong tại bệnh viện).
Theo đó, bị cáo Phong đã sang tên căn nhà cho mẹ trong quá trình bị tạm giữ để bồi thường thiệt hại cho người bị nạn, nhưng theo nữ tiếp viên, từ ngày xảy ra tai nạn đến lúc ra tòa phúc thẩm, cô và gia đình tài xế vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Tại tòa, bị cáo cũng thừa nhận thời điểm gây tai nạn chưa có bằng lái. Trước đó, để thuê xe, Phong chụp lại bằng lái, CMND của H.T.S, lên mạng tìm nơi làm bằng giả, gửi hình qua Zalo để làm bằng lái giả. Sau đó, bên làm giả đặt xe ôm gửi sang cho Phong.
"Bị cáo tự học lái xe ở trung tâm bên quận 12, chưa có bằng nhưng biết chạy nên thuê Mercedes với giá 2,5 triệu/ngày để rủ 2 bạn gái đi Phan Thiết chơi. Lần thuê này bị cáo không đưa bằng lái cho bên thuê xe vì trước đó họ đã lưu hồ sơ rồi" - tài xế Mercedes nói tại tòa.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao lúc học được thầy dạy chạy 50km/h, phải giảm tốc độ khi qua ngã ba, ngã tư nhưng bị cáo lại chạy với tốc độ 84km/h để gây tai nạn thì bị cáo chỉ im lặng.
Bị cáo Phong còn cho biết, lúc tai nạn xảy ra Phong có gọi cấp cứu, thấy xe cấp cứu tới thì bản thân mới chạy ra bến xe Miền Đông, bắt xe đi Phan Thiết. Tới khi biết bác tài xế xe Grab đã mất thì bị cáo sợ quá nên đi Đà Lạt, vứt hết giấy tờ, sau đó được gia đình động viên ra đầu thú.
Còn về việc Phong có kết quả dương tính với ma túy, bị cáo giải thích, khi ra Phan Thiết có đi uống với bạn, rồi "ai đó cho ma túy vào ly" mà Phong không biết, chứ không phải Phong sử dụng ma túy đá trước khi gây tai nạn.
Về phía nữa tiếp viên hàng không bị nạn, chị Hường lại cho biết sau tai nạn chị nằm đó rất lâu, đau đớn không thể cử động nhưng vẫn tỉnh táo nên có thể khẳng định không có ai gọi cấp cứu, cho đến khi mẹ và sếp của chị xuất hiện tại hiện trường. Chị cũng cho rằng chỉ có dùng ma túy đá trước đó thì tài xế Mercedes mới chạy xe tới 84km/h, lấn cả sang làn đường ngược lại mà gây tai nạn như vậy.
Chị Lê Thường Vân (con gái tài xế GrabBike đã mất) cũng cho biết đã gửi đơn kháng cáo bản án của tòa sơ thẩm vì muốn xem xét tăng trách nhiệm hình sự với tài xế gây tai nạn.
Theo Pháp luật TP.HCM, kết thúc phiền tòa phúc thẩm ngày 22/4, HĐXX phúc thẩm đã quyết định hủy tòa bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho Cơ quan điều tra Công an quận Phú Nhuận điều tra lại. Bởi theo tòa, cần phải xem xét nguồn gốc căn nhà là của bị cáo Phong hay là của mẹ bị cáo.
Cũng trong ngày 22/4, vào buổi trưa, khi tòa tạm nghỉ, gia đình Phong đã chi tạm ứng tiền đền bù cho hai bị hại mỗi người 60 triệu đồng. Đây là số tiền đầu tiên hai bị hại nhận được từ gia đình Phong kể từ ngày xảy ra tai nạn. Mẹ của bị cáo cũng mong muốn có một mức án thấp nhất cho con trai.