Trưa 24-5, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin, sức khỏe của cháu Đỗ Bình An, con của sản phụ mắc ung thư vú giai đoạn cuối Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam) tiến triển ổn định.
- Bức ảnh người vợ nắm tay chồng bị ung thư giai đoạn cuối gây 'bão mạng'
- Người vợ trẻ mắc ung thư giai đoạn cuối, mổ ngồi để sinh con
Bé Bình An được mổ “bắt con” khi mới 31 tuần tuổi vào ngày 22-5 tại Bệnh viện K. Hai ê kíp y bác sĩ gồm mổ đẻ và sơ sinh từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng sang Bệnh viện K thực hiện ca mổ.
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương là người trực tiếp thực hiện ca mổ sinh hi hữu này.
Chị Nguyễn Thị Liên phát hiện mình bị ung thứ vú đã di căn khi mới mang thai, nhưng người mẹ đã từ chối điều trị để giữ thai nhi. Chị Liên được theo dõi sát sao của bác sĩ bệnh viện K và bác sĩ sản khoa, kết hợp khám thai định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai nhi, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền… tất cả thuốc sử dụng đều được các bác sĩ hai chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn thận để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.
Tuy nhiên, khi thai nhi được 31 tuần tuổi, người mẹ quá yếu và khó có khả năng chống đỡ, các bác sĩ đã quyết định mổ “bắt con”.
PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, cháu Bình An chào đời về mặt hình thái không có gì bất thường. Cháu Bình An cân nặng 1,5 kg, đây là cân nặng bằng tuổi thai. Hiện tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh bệnh viện sử dụng các thiết bị tốt nhất, thuốc tốt nhất để chăm sóc và nuôi dưỡng cháu. “Đến thời điểm này, tạm thời nhận định bé Bình An có tiến triển thuận lợi, rất mong con thật bình an như tên gọi của mình. Và cũng rất hy vọng mẹ bé sớm có sức khỏe ổn định để hai mẹ con được gặp nhau lần đầu”- PGS Cường nói.
Theo PGS Cường, ca mổ là sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai bệnh viện và đây là sự thành công ngành y tế. “Sự thành công này phải cảm ơn tới bác sĩ của Bệnh viện K đã duy trì sự sống của người mẹ bằng mọi cách, kéo dài tuổi thai cho em bé. Việc nghe thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh ở bệnh viện chuyên khoa ung bưới là điều vô cùng ngạc nhiên. Có thể nói đó là cuộc vượt cạn “mẹ tròn, con vuông” với một sản phụ đang đối mặt với căn bệnh vô cùng nặng nề” - ông Cường cho biết.
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, khi nào em bé được 38 tuần tuổi, tăng trên 2,5kg, tự thở được, ăn được thì chúng ta công bố em bé thực sự bình an.
PGS Trần Danh Cường cho biết, trong cuộc đời nghề y đây là ca mổ đặc biệt của ông khi sản phụ mổ ở tư thế ngồi. Sản phụ hiện đang điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện K. Người mẹ rất yếu, mổ xong chị chỉ hỏi cháu được mấy cân. Nghe tiếng con khóc, biết con đã bình an, người mẹ tiếp tục điều trị với mong muồn nhanh hồi phục để được gặp con. Đến nay, người mẹ chỉ được nhìn con qua ảnh.
Trưa 24-5, chồng sản phụ Liên – anh Đỗ Văn Hùng cho biết, vợ anh đã hết sốt, tỉnh táo hơn, đã ăn và nói chuyện được. Theo PGS Cường thì cả hai bệnh viện đang cố gắng chăm sóc cả mẹ và cháu bé để sớm cho 2 mẹ con gặp nhau lần đầu.
Đến thăm con tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh Hùng rớm nước mắt nói: “Đây là lần thứ 2 tôi đến thăm con, hôm qua con nằm im, nhưng hôm nay con đã khóc và ngọ nguậy tay chân, tôi rất vui mừng và cảm ơn các y bác sĩ của cả hai bệnh viện”.
Theo Điều dưỡng trưởng Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh Nguyễn Thị Thu Trang, bé Bình An đang phải thở máy, hô hấp chưa ổn định, điều dưỡng phải ở bên chăm sóc toàn diện cho cháu 24/24h. Cháu đã có phản xạ là khóc, đêm cũng như ngày, 3 tiếng cháu ăn một bữa, cháu đang tập ăn với lượng sữa còn rất it 4ml/lần.
Chăm sóc một em bé non tháng rất vất vả và chi phí lớn. Hiện cháu Bình An được điều trị miễn phí theo bảo hiểm, trừ một số thuốc ngoài danh mục. Dụng cụ điều trị cho cháu bé rất đặc biệt như: dịch truyền, thuốc, ống cho vào mũi của bé đều phù hợp với định lượng của cháu.
Quy trình chăm sóc trẻ sinh non của bệnh viện là công việc thường quy, bệnh viện đã chăm sóc rất nhiều em bé sinh non dưới 1,6kg.
Theo BS Lê Minh Trác, hiện Trung tâm đang điều trị cho gần 300 trẻ sinh non, nhẹ cân, trong đó có khoảng 10 cháu được sinh ra chỉ khoảng 500-700g. Tỷ lệ cứu sống trẻ có cân nặng từ 1-1,5kg cao hơn 90%.