Kỳ nghỉ Tết dài ngày chìm trong ăn – chơi - chúc tụng đã hết, phải trở về với công việc, nhiều người chắc chắn không khỏi cảm thấy chán nản, nuối tiếc đến nỗi sợ hãi.
- Sự thật thông tin du khách mắc kẹt đến nửa đêm ở Tràng An
- Ngày đầu đi làm sau kì nghỉ Tết: Đường phố Hà Nội kẹt cứng, TP.HCM thông thoáng
Một nghiên cứu khoa học dẫn đầu bởi giáo sư tâm lý học lâm sàng Alex Gardner của Đại học Tây Úc thậm chí khẳng định có tới một nửa trong chúng ta phải vật lộn để thức dậy vào sáng đầu tuần và khiến công việc bê trễ. Nghiên cứu cho thấy ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ, mỗi người chỉ có khoảng... 3,5 giờ làm việc thực sự hiệu quả và có thể không tươi tỉnh nổi cho đến giữa trưa.
Nhà tâm lý học Jeroen Nawijn tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda (Hà Lan) cho rằng mọi người thường cảm thấy hạnh phúc hơn trong kỳ nghỉ vì được tự do làm điều mình muốn. Khi kì nghỉ kết thúc, những cảm xúc tích cực đó đều biến mất.
Suzanne Degges-White, một nhà trị liệu tại Đại học Bắc Illinois và là trưởng khoa tư vấn và giáo dục đại học đồng tình với quan điểm này.
Cô nói: "Khi trở về cuộc sống thường nhật, phần lớn chúng ta phải tiếp tục chuỗi ngày báo cáo với cấp trên về những gì đang làm, chúng ta đang làm như thế nào và khi nào chúng ta sẽ hoàn thành”.
Ngoài ra, những khó khăn và trách nhiệm trong công việc không bao giờ tự biến mất.
“Nhiều người sợ đi làm trở lại vì họ biết rằng các vấn đề có thể chồng chất lên nhau. Chưa kể, họ có thể bị giao thêm các nhiệm vụ mới trong khi những nhiệm vụ cũ chưa xong” – Chuyên gia nói.
Degges-White cũng cho rằng sự chuyển đổi từ thời gian biểu linh hoạt trong kỳ nghỉ về thời gian biểu chặt chẽ, ăn ngủ đúng giờ cũng khiến con người căng thẳng. Với những ai lỡ ăn uống vô độ những ngày nghỉ lễ, việc trở về cuộc sống thường ngày càng khó khăn.
Dù vậy, vẫn có những cách để bạn bớt stress sau kỳ nghỉ lễ.
Bạn cần ngừng than vãn và chìm đắm trong những ngày nghỉ Tết. Hãy gạt bỏ những suy nghĩ nuông chiều bản thân về những ngày nghỉ Tết không deadline, không bị làm phiền. Thay vào đó bạn cần lên danh sách về những điều “thú vị” sẽ thực hiện trong ngày đầu tiên đi làm, hay lên kế hoạch “restart lại bản thân” để chuẩn bị cho một năm tiếp theo, dọn dẹp góc học tập và làm việc, đọc sách…
Thay vì nghĩ đến những ngày làm việc, hãy đọc một cuốn sách, hoặc liệt kê lại những điều bạn đã làm được trong một năm qua, lên kế hoạch cho năm tới... Bất cứ việc gì khiến bạn cảm thấy thích thú đều khiến tâm trạng trở nên khá hơn.
Tiếp đến, bạn có thể lên ý tưởng cho kỳ nghỉ tiếp theo. Như vậy, bạn sẽ bớt cảm giác chán nản và thêm động lực làm việc. Đừng quên dành thời gian thư giãn phòng trường hợp căng thẳng, ví dụ như nghe vài bản nhạc hay hoặc rủ đồng nghiệp đi ăn uống.
Điều quan trọng cuối cùng có thể giúp bạn lấy lại tinh thần sau kỳ nghỉ Tết là việc điều chỉnh đồng hồ sinh học về đúng với quỹ đạo. Duy trì lại thói quen ngủ sớm và dậy sớm sẽ khiến cho tinh thần trở nên thoải mái. Một chế độ ăn vừa đủ và nhiều rau xanh sẽ giúp cơ thể bạn trở nên khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.