Trong bối cảnh một số ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, chuyên gia dịch tễ nhận định tình hình dịch bệnh đã càng khó khăn hơn, dù ca mắc mới giảm nhưng dịch có thể âm thầm bùng lên.
- Tin vui: Chữa khỏi thêm 2 ca nhiễm Covid-19, gần 70% ca bệnh ở TP.HCM được công bố khỏi bệnh
- Vì sao bệnh nhân Covid-19 số 243 lây cho chị dâu và hàng xóm mà không lây cho vợ? Đây là câu trả lời của bác sĩ BV Xanh Pôn
Thời gian gần đây Việt Nam đã xuất hiện một số ca bệnh như: 237, 243 và 251 mắc trong cộng đồng không xác định được nguồn lây.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), việc tìm nguồn lây đối với các ca lây nhiễm trong cộng đồng là rất khó. Nếu như thời gian trước các ca bệnh tại Việt Nam là xâm nhập thì việc khoanh vùng, cách ly và biết nguồn lây.
Trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, vấn đề cần ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng.
PGS.TS Phu cho hay, thời gian qua số ca mắc Covid-19 giảm không có ý nghĩa nhiều vì tùy theo kết quả xét nghiệm sẽ có ngày giảm và ngày tăng. Bên cạnh đó, số người nhập cảnh giảm đi nên số ca dương tính trong đó sẽ ít đi. Hiện các ca cộng đồng mới là vấn đề cần quan tâm.
Trước tình huống dịch bệnh đã có trong cộng đồng Bộ Y tế cũng đã triển khai xét nghiệm rộng hơn những ca sốt, ho, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ.
"Số ca mắc giảm, nhiều người nghĩ là chúng ta đã thành công. Thực tế không phải vậy! Dịch bệnh vẫn đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng.
Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi", ông Phu nói.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, thời gian qua số ca bệnh nhân tăng chủ yếu là những ca mắc qua xét nghiệm từ người nhập cảnh nhiều, người nghi ngờ nhiễm bệnh. Xét nghiệm trong cộng đồng cũng chưa nhiều, nên chưa đánh giá được đầy đủ bức tranh dịch tễ.
Số ca mắc bệnh có giảm đi nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp do một số trường hợp mắc trong công đồng không tìm được nguồn lây.
PGS Huy Nga khuyến cáo: "Điều quan trọng ở thời điểm này là phải thực hiện quyết liệt việc giãn cách xã hội, bản chất là ngăn không cho người bệnh tiếp xúc với người lành và ngược lại. Những người dương tính với virus sẽ lộ diện".
Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đẫ đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.