Điều duy nhất mà những bạn trẻ xa quê có thể làm là liên tục hỏi thăm tình hình ba mẹ, người thân và cầu mong cơn bão chóng tan…
- Thương tâm: Tìm thấy thi thể bé trai 7 tuổi mất tích dưới suối, hiện trường còn để lại dấu chân
- Thủ tướng tiếp tục ra công điện yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4
Siêu bão Noru - bão số 4 được nhận định mạnh nhất trong vòng 20 năm qua đang di chuyển cào các tỉnh miền Trung với sức gió giật mạnh. Theo dự báo trong những ngày tới, tình hình mưa, lũ lớn, ngập lụt và chia cắt có thể kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...
Những người ở trong tâm bão đang bước vào cuộc "chạy đua" gia cố nhà cửa, dự trữ lương thực để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Còn những bạn trẻ xa quê thì thấp thỏm lo lắng khi hướng về gia đình. Họ nóng lòng nhưng không thể làm gì khác ngoài việc liên tục gọi về nhà, hỏi thăm ba mẹ đã chuẩn bị đối phó với bão đến đâu và cầu mong bình an.
“Nghĩ cảnh ba ở nhà ôm mấy bao cát chèn tôn mà thương”
Không chỉ lo lắng, đôi khi cảm xúc của người trẻ miền Trung xa quê còn là cả sự bất lực vì không thể giúp đỡ gia đình trong lúc thiên tai. Không ở gần nên điều duy nhất trấn an là gọi điện về nhà vẫn có người nhấc máy.
Dù không phải lần đầu tiên chứng kiến cảnh quê hương gặp bão song Cẩm Giang (24 tuổi, Đà Nẵng) vẫn thấy lòng như lửa đốt những ngày qua: “Trước đây ở Đà Nẵng, mình cùng gia đình đã từng chứng kiến, sống chung với bão lũ. Cứ đến mùa này là ai nấy cũng đều chuẩn bị sẵn tinh thần. Tâm trạng khi ấy chỉ đơn giản là mong bão qua thật nhanh.
Còn hiện tại khi ở xa nhà không nắm được hết tình hình nên thấy bất an, sốt ruột nhiều hơn cho bố mẹ, người thân. Mấy ngày nay, hôm nào mình cũng gọi điện, nhắn tin hỏi thăm mọi người. Nào là ở đó mưa chưa, mưa to không, gió giật mạnh cỡ nào, rồi mua đồ ăn chưa,... mình hỏi han nhiều lắm vì lo mà chẳng còn cách nào cả. Biết là mọi người ở nhà cũng quen rồi nhưng phải nghe trực tiếp bố mẹ nói về sự chuẩn bị đầy đủ mình mới an tâm.
Ngoài ra, mình cũng thấy buồn khi Đà Nẵng đang phát triển du lịch trở lại thì gặp phải cơn bão lớn này. Chắc chắn mọi người sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và gần như phải làm lại từ đầu nếu không may có thiệt hại lớn”.
Còn đối với M.N (Tam Kỳ, Quảng Nam) dù biết ở nhà cùng ba mẹ còn có anh, chị nhưng nghĩ đến cảnh gia đình phải cực nhọc chống bão, M.N cũng không đặng lòng: “Thực ra gia đình mình cũng không phải quá đặc biệt, vẫn đỡ hơn nhiều so với những người dân ở vùng tâm bão khác. Nhưng ba mình năm nay 62 tuổi rồi, mình là con trai lại đang đi làm xa nên cứ nghĩ đến cảnh ba ở nhà ôm mấy bao cát chèn tôn mà thấy thương”.
Lê Trang (23 tuổi, Quảng Bình) chia sẻ: "Mình hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Đây không phải lần đầu tiên khi xa nhà, mình nghe tin bão đổ bộ về quê hương. Nhưng dù có bao nhiêu lần thì cảm xúc vẫn như thế, lo lắng cho ba mẹ và gia đình ở Quảng Bình, lo sợ thiệt hại liên quan đến nhà cửa,...".
Cùng chung tâm trạng, Hà My (21 tuổi, Quảng Trị) hiện đang làm việc tại TP.HCM cho biết: “Mình theo dõi tin tức cơn bão mỗi ngày. Mình biết những ảnh hưởng nghiêm trọng do cơn bão Noru gây ra tại Philippines. Do vậy khi biết bão đang đi thẳng vào miền Trung, trong đó có Quảng Trị khiến mình cảm thấy rất lo lắng cho bố mẹ và những người ở quê. Sợ mọi người không chuẩn bị kịp nên lúc nào mình cũng gọi điện về để cập nhật tình hình.
Mẹ mình thì luôn nói, người ở đây quen với việc tránh mưa, tránh bão rồi nhưng tâm trạng của người xa nhà mà, không trực tiếp được ở cạnh nên cứ bồn chồn mãi, lo và thương nhiều lắm”.
Ký ức bão lũ luôn ám ảnh, người xa quê chỉ biết cầu nguyện
"Chạy đua" với bão vất vả một, khi bão đi qua còn khổ cực gấp trăm lần. Ai từng sống trong cảnh này mới hiểu và thấm thía, những ký ức về mưa bão, lũ lụt sẽ luôn là nỗi ám ảnh khó quên với những người sinh ra và lớn lên ở miền Trung. Đang ở xa quê nhưng họ không ngừng hướng về quê hương và cầu nguyện bình an.
“Vẫn nhớ cơn bão từng làm miền Trung điêu đứng năm 2020 mới đây mình từng trải qua. Gia đình mình bị mất em cún cưng đã nuôi được gần 10 năm, dù rất buồn nhưng cả nhà cũng vẫn phải dọn đồ để tránh ngập lụt.
Lần này, khi nghe tin miền Trung lại hứng chịu siêu bão Noru, bao cảm xúc đó lại ùa về. Chỉ người ở tâm bão mới hiểu cảnh bão lũ tràn vào nhà thế nào, thiệt hại bao của cải, cây cối đổ rạp, nhà cửa cấp 4 xập xệ,... Mình may mắn được sống trong căn nhà khá kiên cố, nhưng lo lắng vẫn bao trùm. Sống trong cảnh đầu nguồn bão lũ bao nhiêu năm, nhà mình cũng có kinh nghiệm chống chọi với thiên tai, nhưng vẫn có những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Mình ở xa, ba mẹ không cho về, chỉ biết từ xa dõi theo thông tin cập nhật hàng giờ, cầu nguyện rằng gia đình mình vẫn ổn”, Lê Trang bày tỏ.
Hoàng Long (24 tuổi, Quảng Trị) cũng chia sẻ: "Mình đã qua Thái được 2 năm, những cơn bão đi qua trong 2 năm vừa rồi mình đều không trực tiếp chứng kiến. Nhưng quê hương từ nhỏ đã trải qua bao nhiêu cơn bão lớn nhỏ mình đều nhớ rõ.
Cái cảnh nhà ngập nước, cả nhà phải sang nhà cô chú ở nhờ, đồ ăn thức uống khan hiếm, có mì tôm ăn hàng ngày đã là may mắn,... đều in đậm trong ký ức. Vì thế, khi tiếp tục nghe về siêu bão Noru, mình chỉ biết từ xa lo lắng. Trong lòng liên tục cầu nguyện cho gia đình, bạn bè ở quê, người dân miền Trung vượt qua bão lũ. Tin tức tràn lan mình không dám đọc, đọc nhiều chỉ càng thêm sợ hãi. Mình vẫn gọi điện hỏi thăm ba mẹ đều đều và bây giờ họ nói vẫn ổn”.
Chung cảnh xa quê, Tô Mai Thùy Dương (26 tuổi, Quảng Ngãi) bày tỏ: “Mình gọi về nhà mẹ nói đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn dự trữ, gia cố lại nhà cửa, mái tôn, động vật thì đưa đến nơi cao hơn,... Nghe vậy cũng an tâm phần nào nhưng mình vẫn luôn cầu mong cơn bão sẽ suy yếu khi vào đất liền để không gây ra những tổn hại về người. Mong người dân miền Trung quê mình bình an”.
"Mở cửa khách sạn miễn phí để các gia đình, sinh viên ở nơi nguy cơ cao đến tránh bão"
Chu Văn Cao Nguyên (31 tuổi) hiện đang làm việc tại Sân bay Phù Cát, Bình Định chia sẻ: "Mình cũng là người con miền Trung, nên cũng phần nào có kinh nghiệm đối mặt với bão lũ, thiên tai. Dù vậy, mình vẫn rất lo lắng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch công việc của mình.
Hiện tại mình đã chằng chống, kê mái, buộc chặt cửa sổ và cửa kính có nguy cơ dao động khi có gió lớn, kiểm tra những tán cây có nguy cơ gãy đổ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra mình cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nước cho những ngày tới, phòng trường hợp xấu nhất".
Cũng theo Cao Nguyên, ngoài công việc chính ở sân bay, anh còn đang kinh doanh khách sạn tại Đà Nẵng - nơi được dự đoán siêu bão Noru đổ bộ mạnh nhất. Anh có kế hoạch đặc biệt:
"Mình mở cửa khách sạn miễn phí để cho các gia đình hoặc các bạn sinh viên ở nơi nguy cơ cao có thể tới tránh bão. Những lúc này, tính mạng vẫn là quan trọng nhất, còn người là còn của nên mình muốn giúp đỡ người dân trong khả năng của mình. Khi bão tan, làm lại vẫn chưa muộn", Cao Nguyên nói.