Lại thêm một vụ bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục bị phanh phui, dư luận đang vô cùng phẫn nộ với những hành vi mất nhân tính của các đối tượng.
- Cháy nhà kho trường mầm non tư thục ở Hà Nội, cô giáo hốt hoảng đưa 50 học sinh tháo chạy
- Cơ sở mầm non nơi bé gái gần 20 tháng tuổi bị rạn hộp sọ, tụ máu não tại Quảng Ninh chưa được cấp phép
Bảo mẫu hành hạ trẻ: "Chúng tôi thấy xấu hổ khi người ta gọi họ là giáo viên mầm non"
Đó là tâm sự của không ít giáo viên mầm non khi clip bạo hành trẻ ở điểm trông giữ trẻ tư thục tại Đà Nẵng lan truyền trên mạng xã hội ngày hôm qua (21/5). Họ gọi đây là những "con sâu làm rầu nồi canh".
Theo đó, đoạn clip ghi lại cảnh trẻ bị hai bảo mẫu đánh đập dã man. Không dừng lại ở đó, trong lúc cho một nhóm khoảng 10 bé ăn, có 2 bé trai bị bắt cởi trần, nằm dưới sàn nhà. Hai bảo mẫu liên tục nhét thức ăn vào miệng dù cho bé trai này liên tục khóc. Những hình ảnh ấy khiến người xem thực sự phẫn nộ.
Cách đây chưa lâu, vụ bạo hành trẻ mầm non của các cô giáo Trường Mầm non Mầm Xanh, thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận còn chưa hết bàng hoàng thì vụ một bé gái bị bầm tím nhiều nơi trên người khi được gửi tại điểm trông giữ trẻ tư nhân ở thành phố Huế, hay vụ bé gái 4 tuổi bị đánh bầm tím người trong lớp học ở Bắc Giang... lại tiếp tục làm dấy lên làn sóng bức xúc, căm phẫn trong dư luận.
Nhiều người, mà đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ cảm thấy vô cùng bức xúc, xót xa trước việc trẻ bị hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Họ cũng không tránh khỏi lo lắng, rằng liệu những đứa con của mình có thực sự được an toàn khi đến lớp mỗi ngày, hay trong số chúng ta, ai sẽ là người tiếp theo phải chứng kiến con em mình bị bạo hành bởi chính cô nuôi dạy trẻ?
Trong làn sóng bức xúc này, có không ít người đang gắn bó với công việc giáo viên mầm non. Đa số các cô giáo đều phản đối việc lấy áp lực, mệt mỏi làm lý do để chọn cách hành hạ trẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh, trường Mầm non Thanh An, Hải Dương, người có 8 năm trong nghề tâm sự: "Mình kịch liệt lên án hành động này và cảm thấy bức xúc khi mọi người gọi những bảo mẫu hành hạ trẻ đó là cô giáo mầm non.
Bởi đã theo nghề thì giáo viên mầm non, cần phải nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ. Các con là những tờ giấy trắng, chúng cần cô giáo thật sự yêu thương, nhiệt tình với công việc uốn nắn, dạy dỗ.
Việc bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được! Dù trẻ có quấy mấy, cô giáo như mình cũng có kỹ năng xử lý tình huống một cách linh hoạt, nhẹ nhàng, tình cảm. Trẻ hư cô sẽ uốn nắn dần dần với điều kiện phụ huynh cùng phối kết hợp, không nên quá bênh con".
Cô giáo Lê Ngọc Lan, trường Mầm non Đông Giang, Quảng Trị cũng đồng tình với quan điểm trên: "Là một giáo viên mầm non, biết là khổ trăm bề vì một lúc phải chăm sóc nhiều trẻ nhưng hành hạ, đánh đập trẻ như trong video khiến mình là một cô giáo cũng không chịu đựng nổi, huống chi cha mẹ các em.
Nếu là giáo viên mầm non đừng lấy áp lực, mệt mỏi để chọn cách hành hạ trẻ. Các cô trong video bạo hành trẻ đó không xứng đứng trong hàng ngũ giáo viên mầm non đâu, đừng gọi họ là giáo viên mầm non, chúng tôi thấy xấu hổ!"
Dẫu biết cô giáo mầm non luôn phải chịu áp lực, mệt mỏi, nhưng đừng vì thế mà chọn cách hành hạ trẻ!
Nhiều người cho rằng, nghề giáo viên mầm non là một công việc khá nhẹ nhàng, nhàn hạ vì chỉ cần biết yêu trẻ, thích chơi với trẻ con là đủ. Tuy nhiên trên thực tế, khi đã bước chân vào nghề, nhiều cô giáo mới thực sự cảm nhận được áp lực từ công việc này.
Giáo viên mầm non trường Thần Đồng, Hà Nội - Đặng Ngọc Trâm chia sẻ sau 2 năm làm việc: "Chúng mình thường đùa nhau rằng, cô giáo mầm non không khác gì cửu vạn, ngày nào cũng phải bê chồng khay cơm cao ngất cho học sinh.
Cô giáo không có giờ nghỉ trưa vì phải để ý trẻ ngủ có đạp chăn ra, trẻ có bị chảy mồ hôi không hay đưa các con đi vệ sinh…"
Bắt đầu công việc từ 7 giờ 15, nhiều hôm Trâm và đồng nghiệp phải đợi phụ huynh tới đón con đến gần 19 giờ mới được về.
Còn đối với cô giáo Nguyễn Thị Ánh, trường Mầm non Thanh An, Hải Dương thì áp lực lớn nhất đến từ phía phụ huynh học sinh.
"Mình đa phần dạy các con khối mầm và chồi, lứa tuổi này các con còn rất nhỏ, yêu cầu cô phải là người cực kì kiên trì và yêu trẻ
Việc chăm sóc, giáo dục cũng khó, mình phải nói nhiều đến khản cả tiếng sau một ngày làm việc, làm nhiều lần lặp lại để các con hiểu, liên tục thay đổi hình thức soạn giảng để các con hứng thú với các hoạt động.
Cái khó nữa là các con chưa thể nói rõ nên việc hiểu tâm tư, tính cách của trẻ hay tình trạng sức khỏe của bé là cả vấn đề.
Nhiều khi về nhà phụ huynh không hiểu lại đổ cô đánh, cô phạt khiến con mệt mỏi, điều này làm mình thấy áp lực lắm. Cách đây 3 năm, có sự việc khiến mình nhớ mãi là chỉ vì có một bé thường chạy ào ra khỏi lớp khi bố đến đón mà không chịu chào cô, mình quyết định không phát phiếu bé ngoan cho bé.
Thế mà phụ huynh đến lớn mắng chửi bằng từ ngữ vô văn hóa, còn dọa kiện mình nữa".
Áp lực từ nhà trường, phụ huynh, từ công việc vất vả khiến không ít cô giáo từng có ý định bỏ nghề. Tuy nhiên, các cô vẫn khẳng định tuyệt đối không thể vì áp lực mà có hành động ảnh hưởng đến học trò.
Cô giáo Ánh chia sẻ thêm, theo như cô theo dõi từ trước đến nay thì đa số các vụ bạo hành thường diễn ra tại các cơ sở mầm non tư thục.
Điều này không phải là không có cơ sở. Tại các điểm mầm non tư thục, việc quản lý, cấp phép dễ, giáo viên chỉ được bồi dưỡng mà không có bằng cấp đạo tạo bài bản nên thường dễ xảy ra việc bạo hành trẻ.
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm "yêu nghề mến trẻ" của mỗi cô giáo mầm non dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Và phụ huynh cũng cần luôn theo sát, cùng chia sẻ với giáo viên, hỏi han việc học, sinh hoạt của con ở trường để tránh việc bạo hành có thể xảy ra.