Sau ngày 30-9, TP HCM không áp dụng giấy đi đường

Xã hội 14/09/2021 07:14

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho hay, sau ngày 30-9, TP HCM không áp dụng giấy đi đường nữa mà sẽ có một ứng dụng di chuyển do công an quản lý.

Tối 13/9, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã tham gia buổi trò chuyện trực tuyến "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do Trung tâm báo chí TP.HCM thực hiện nhằm giải đáp các câu hỏi và thắc mắc của người dân về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15-9.

Sau ngày 30-9, TP HCM không áp dụng giấy đi đường - Ảnh 1
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (giữa), giải đáp thắc mắc của người dân tại chương trình livestream.

Một số câu hỏi của người dân trong buổi trò chuyện “Dân hỏi - Thành phố trả lời” như sau:

Dân hỏi: TP dự kiến giãn cách theo 3 lộ trình từ 16/9 đến 31/10, từ 31/10 đến 15/1 và sau 15/1, TP đã chốt chính xác lộ trình này chưa, có thay đổi không và kế hoạch sau 15/9 là như thế nào?

- Ông Lê Hòa Bình: Về lộ trình, TP đã có dự thảo và báo cáo với Thành ủy. Lộ trình cơ bản sẽ thực hiện như trên. Lộ trình sau ngày 16 sẽ có thêm 1 giai đoạn từ 16/9 đến 30/9 đối với những thí điểm được công bố kiểm soát về dịch, đó là Q.7, Củ Chi và Cần Giờ. Chúng tôi sẽ công bố kế hoạch cụ thể hơn trong cuộc họp ngày mai (14/9).

Trước đó, ngày 7/9/2021 TP đã có bước chuẩn bị, sau đó TP cũng đã có quyết định và điều chỉnh nội dung liên quan đến di chuyển hàng hóa như thế nào, một số cửa hàng bán đem về và các điểm trung chuyển, tập kết tại các chợ đầu mối đã có hay chưa...

Cá nhân tôi cùng rất nhiều bà con cũng có thói quen đặt hàng qua shipper, và chúng tôi đã có kế hoạch đối với lộ trình của shipper để trình lên Ban chỉ đạo chống dịch Trung ương. Ngày 16 này, TP sẽ quyết định cho shipper chạy liên quận với điều kiện tuân thủ các quy định phòng chống dịch và TP sẽ hỗ trợ test Covid cho tài xế từ ngày 16 đến ngày 30/9.

Đồng thời, trong giai đoạn từ  ngày 16 - 30/9 các địa phương phải chuẩn bị xong những quy định và phương cách phòng chống dịch ở những thí điểm trong TP. Thủ tướng đã chỉ đạo, “chống dịch như chống giặc” và sự an toàn của người dân là trên hết. Do đó TP cũng sẽ lên kế hoạch, chuẩn bị những phần mềm để người dân có thể tự kiểm soát sự an toàn của mình trên hệ thống dữ liệu. 

Chúng tôi đã thí điểm việc này từ đầu tháng 8 nhưng cần có thời gian để chuẩn bị. Đến nay, chúng tôi mới có thể triển khai dần dần được. Ngoài ra, tác động và những tổn thất do Covid-19 gây ra đã làm cho đời sống người dân bị thay đổi phần nào, không còn duy trì như cũ được nữa, cho nên cần thời gian để có thể bắt đầu trạng thái bình thường mới

Dân hỏi: Tôi nghe lãnh đạo nói TP cần phải nỗ lực dập dịch trước 15/9 nhưng đến nay lại thêm 2 tuần nữa, người dân khó khăn mà TP cũng trở nên khó khăn hơn. Làm sao TP có thể cứu trợ dân mãi được?

Nếu 2 tuần nữa dịch vẫn không thể khống chế thì có khả năng giãn cách tiếp hay không?

Ngoài ra, khái niệm “sống chung với dịch” có nghĩa là sống chung với F0 trong cộng đồng hay là tách F0 ra khỏi cộng đồng?

- Ông Lê Hòa Bình: Đây là điều mà chúng tôi và nhiều lãnh đạo, chuyên gia cùng DN đang trăn trở. Trong Nghị quyết 86 của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi phải cố gắng dập dịch trước 15/9, tuy nhiên cũng còn nhiều việc sau 15/9 phải đánh giá lại như tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế. 

Ngành y tế và các lãnh đạo cũng có những nội dung phải xem xét để có thể thực hiện. Chúng tôi không hề muốn tiếp tục giãn cách nhiều hơn nữa.

Hiện tất cả các đơn vị hành chính đều đang thực hiện kiểm soát dịch một cách chặt chẽ, đảm bảo dịch không thể phát triển rộng thêm nữa.Chúng tôi cũng đang thực hiện mục tiêu kép cùng với các quy định của TP trong việc thực hiện các nội dung này.

Chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ với những người chẳng may bị nhiễm Covid. Hiện TP đã nâng cao năng lực điều trị ở tầng 2, bổ sung lực lượng điều trị ở tầng 3 để có thể giúp dân chữa bệnh một cách hiệu quả hơn. Mục tiêu của chúng tôi là có thể kiểm soát được dịch bệnh và có thể quay trở lại phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. 

Về kế hoạch và mục tiêu chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9, chúng tôi có 11 chiến lược đầy đủ, trong đó có cả kế hoạch đối với những người chẳng may mắc bệnh Covid-19. Sau 15/9 đánh giá lại thì chúng ta có thể tự tin vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa chống dịch. Tuy nhiên khái niệm “Zero Covid” thì hiện tại chúng ta không thể mà chỉ có thể khống chế ở một mức độ nhất định. 

Bên cạnh đó, muốn "Zero Covid" cần đảm bảo thực hiện hai điểm cốt lõi của ngành y tế là mức độ phủ sóng của vaccine và mức độ an toàn của ngành y tế đối với quá trình phòng, chống dịch

Dân hỏi: Có thông tin rằng Sở Y tế TP đề xuất chỉ cho người dưới 65 tuổi và trên 18 tuổi được cấp thẻ xanh thông hành, còn người trên 65 tuổi thì sao? Tại sao không có thẻ xanh cho trẻ em và người già?

Ông Lê Hòa Bình: Trong kế hoạch Y tế và chiến lược thực hiện mục tiêu kép, chúng tôi có thực hiện thí điểm thẻ xanh Covid và có liên quan mật thiết đến việc tiêm vaccine. Tuy nhiên không chỉ một mình vaccine có thể phòng, chống dịch được mà cần phải đi kèm việc 5K, xét nghiệm và các biện pháp an toàn với dịch.

Chúng tôi cũng không cấm người 65 tuổi ra đường mà chỉ đảm bảo an toàn đối với người dân, không có chuyện người trên 65 tuổi không được ra đường, nếu họ đủ điều kiện lưu thông và sức khỏe thì vẫn có thể đi làm.

Hiện TP chưa có chính sách tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi nhưng TP đang nghiên cứu để có thể có phương án hợp lý trong vấn đề này. Bên cạnh đó ngành giáo dục và đào tạo TP cũng đang nghiên cứu vấn đề giúp đỡ các em học online và nghiên cứu phương án đưa các em quay trở lại trường học. 

Hiện tại, tôi thấy các em vẫn có thể học online. Mặc dầu không được như bình thường nhưng các em vẫn có thể duy trì khá tốt. Với những bé không đủ điều kiện học online, chúng tôi đang tính toán để có phương án hợp lý.

Dân hỏi: Trường hợp thiếu giấy xác nhận tiêm mũi 1, mũi 2 có thể làm thẻ xanh hay không? Nếu bị mất giấy tờ sau tiêm thì phải làm sao? Bên cạnh đó, người dân F0 trở nặng liên hệ rất khó khăn với các cơ sở Y tế, TP có giải pháp nào giúp đỡ người dân hay không?

- Ông Lê Hòa Bình: Ngoài việc tiêm vaccine, bạn phải xem nơi bạn sống và nơi bạn đi có “xanh” không. Bản thân bạn đã tuân thủ đúng nguyên tắc phòng, chống dịch hay chưa vì không chỉ vaccine là có thể an toàn được. Hiện tại, chúng tôi đã có mã trong mỗi phần mềm ở trong app để có thể tự đăng ký tránh tụ tập gây ùn ứ, lây nhiễm chéo. 

Chúng tôi cần 2 tuần để chuẩn bị các thí điểm thực hiện vùng xanh trong TP. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ tích hợp dữ liệu tiêm chủng vào trong app ứng dụng của mỗi cá nhân. 

Về việc F0 trở nặng liên lạc như thế nào? Chúng tôi đã có app F0 247 và có đầy đủ thông tin về đường dây nóng trên ứng dụng đó, người dùng có thể truy cập, liên hệ khi cần thiết.

Dân hỏi: Tại sao TP không tổ chức cho người dân về quê để giảm bớt gánh nặng và cũng tạo điều kiện cho người dân? Hiện tại, số lượng người mắc kẹt tại TP.HCM quá nhiều nên họ chỉ mong được về quê. TP có thể tạo điều kiện cho họ về hay không?

- Ông Lê Hòa Bình: TP.HCM vốn dĩ là “Thành phố nghĩa tình”, người dân khắp nơi đổ về để lao động và làm việc cho TP, chúng tôi rất trân quý điều này, nhưng xin người dân chia sẻ với nguyên tắc của TP, chỉ thị 11 và những phương án chống dịch của chính phủ “ai ở đâu thì ở đó”. Ngoài ra, các tỉnh lân cận cũng đang thực hiện giãn cách xã hội cho nên việc người dân về quê không khả thi. 

Tuy nhiên, “có người đưa đi thì phải có người đón về”. Nếu địa phương của bà con tạo điều kiện đón bà con về thì chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ trong việc hỗ trợ xét nghiệm để bà con về quê, nhưng phải có sự phối hợp với lãnh đạo của các tỉnh.

Dân hỏi: Nhà tôi kinh doanh quán ăn theo hộ kinh doanh cá thể. Có thể điều chỉnh việc 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến không?

- Ông Lê Hòa Bình: Hiện tại, TP cho phép cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở bưu chính viễn thông, tin học văn phòng được mở lại. Tại Q.7 và hai huyện Củ Chi, Cần Giờ... đã thí điểm mở cửa trở lại cho người dân đi chợ 1 tuần/lần. Tuy nhiên, việc mua đồ qua shipper là cách để đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng và đảm bảo không lây lan, từng bước khống chế dịch bệnh.

Bà con không nên quá vội trong việc mở cửa lại các hoạt động kinh tế để giữ an toàn cho bản thân và không gây khó khăn cho người khác. 

Dân hỏi: Hiện tại, TP có chính sách nào hỗ trợ các doanh nghiệp không và kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ cho DN ra sao?

Ông Lê Hòa Bình: Khi xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau 15/9, chúng tôi có kế hoạch từ nay đến 31/12 để tiếp tục phục hồi và phát triển và lấy ý kiến của các chuyên gia, các DN, kể cả DN FDI và đã có sự đồng thuận của cộng đồng các DN. Họ cho rằng “an toàn tới đâu thì mở tới đó”.

Phải nói rằng không chỉ DN nhỏ và vừa mới gặp khó khăn mà những DN lớn cũng đều có những khó khăn khi thực hiện mục tiêu kép. Chúng tôi cũng đã đề xuất nhiều vấn đề với Chính phủ như hỗ trợ vay vốn, giãn nợ... và sẽ có chính sách cụ thể được công bố trong vài ngày tới vì TP gắn bó mật thiết với DN, chỉ DN mới có thể giúp cho TP phục hồi và phát triển trở lại

Ngoài ra, càng khó khăn thì DN càng mong muốn thủ tục hành chính nhanh hơn cho nên chúng tôi cam kết thực thi các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất. Chẳng hạn, những kế hoạch trước đây TP cần một tháng để phê duyệt thì chúng tôi sẽ rút nhanh trong vòng vài ngày tới một tuần. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương thì TP và vẫn sẽ hỗ trợ thêm.

Dân hỏi: Bao giờ TP hỗ trợ phát gói trợ cấp thứ 3 và việc hỗ trợ cho người dân lao động tự do, thất nghiệp và khó khăn vì Covid-19 ra sao? Đối tượng được hưởng gói hỗ trợ thứ 3 là gì?

Ông Lê Hòa Bình: TP hiểu được sự khó khăn của bà con và cũng mong bà con thông cảm cho TP nếu các gói hỗ trợ có phần chậm trễ. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng trong vòng vài ngày tới có thể hỗ trợ hết đợt 2.

Về đợt 3, chúng tôi vẫn không phân biệt người thường trú, tạm trú hay công nhân ở lại. Chi tiết về gói an sinh do đồng chí Võ Công Hoan thực hiện. Chúng tôi sẽ thông báo đến bà con vào tháng 9. Chúng tôi cũng đang cân đối giữa việc thực hiện cả chuyển tiền hỗ trợ qua tài khoản và trao tiền mặt miễn làm sao thuận tiện nhất cho bà con

Về kinh phí thực hiện gói hỗ trợ thứ 3, TP sẽ kiến nghị lên trung ương và xem xét lại ngân sách của TP. Ngoài hỗ trợ dòng tiền, TP còn có thêm 2 triệu gói an sinh.

Dân hỏi: Sau 30/9 còn lưu hành giấy đi đường không, vì hiện nay hộ kinh doanh đã bị đóng cửa hơn 2 tháng, không có giấy đi đường thì phải làm sao?

- Ông Lê Hòa Bình: Hiện tại, chúng tôi đang tích hợp những điều kiện có thể lưu thông thay giấy đi đường trong điều kiện vừa làm, vừa thực hiện vừa bổ sung. Tuy nhiên tôi xin khẳng định sau 30/9 người dân sẽ không cần giấy đi đường nữa. Thay vào đó, giấy đi đường sẽ được tích hợp trên app để công an có thể kiểm tra trên đó. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các tiêu chí để có thể công bố những quy định cho người dân biết trong vài ngày tới.

Sắp tới, tất cả các app sẽ bị loại bỏ, chỉ còn một app thông hành duy nhất là PC Covid. App này sẽ tích hợp tất cả những chức năng của các app trước liên quan đến vấn đề lưu thông cho người dân. 

Dân hỏi: Sau ngày 30/9, các công trình xây dựng có được hoạt động trở lại hay không? Nếu hoạt động trở lại thì cần những điều kiện gì? 

- Ông Lê Hòa Bình: Ngành xây dựng hết sức quan trọng cho nên chắc chắn phải hoạt động trở lại, nhưng phải hoạt động theo tiêu chí an toàn. Chúng tôi đã có bộ nghiên cứu tiêu chí an toàn xây dựng dành riêng cho ngành này và chỉ đạo cho các đơn vị xây dựng sau 30/9 phải công bố những khu vực thuộc vùng xanh, công trình nào là công trình trọng điểm, công trình đầu tư công, nhà ở công cộng, nhà cho công nhân và người lao động thuê...

Tuy nhiên, việc xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và công tác phòng, chống dịch. 

Hà Nội: CSGT phát hiện đôi nam nữ mang theo nhiều giấy đi đường đã được ký khống để thuận tiện 'thông chốt'

Tại chốt kiểm dịch phía nam cầu Thanh Trì, Tổ công tác CSGT phát hiện giấy đi đường của đôi nam nữ xuất trình có dấu hiệu bất thường.

TIN MỚI NHẤT