Chiều 28/9, lãnh đạo các tỉnh thành miền Nam và Tây Nguyên thống nhất kiến nghị tiếp tục giữ cơ chế kiểm soát người ra vào, đi lại, không để dân từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An tự phát về các địa phương sau ngày 30/9.
- Sở Y tế TP.HCM nói gì về thông tin ngừng tiêm một lô vaccine Pfizer?
- Chuyên gia giải đáp: Con người có bị lây nhiễm SARS-CoV-2 qua giày dép không, virus sống lâu trong loại đế giày nào?
Theo Thanh Niên, chiều 28/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt và các tỉnh khu vực Nam bộ và Tây nguyên để thảo luận về phương án đi lại của người dân khi một số tỉnh, thành như TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai từng bước mở cửa sau ngày 30/9.
Lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM cho biết nhờ sự giúp đỡ của các tỉnh thành, sự chi viện của Trung ương và nỗ lực của từng địa phương nên đã từng bước kiểm soát dịch bệnh.
Sắp tới, các địa phương này mong muốn đón công nhân trở lại làm việc cũng như đề nghị người dân đang cư trú trên địa bàn tiếp tục ở lại, không về quê tự phát; đồng thời cam kết đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sớm khôi phục sản xuất.
Thời gian qua, công tác phối hợp đưa người dân về quê được thực hiện chặt chẽ, có kiểm soát nhưng vẫn còn một bộ phận người dân về quê tự phát trong khi nhiều tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp, lực lượng y tế mỏng nên rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo hầu hết các tỉnh miền Nam và Tây nguyên thống nhất kiến nghị Chính phủ có chỉ thị yêu cầu 4 địa phương gồm: TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai tiếp tục giữ nguyên các biện pháp kiểm soát như hiện nay sau ngày 30/9, không để người dân đi về quê tự phát. Trong trường hợp thật sự phải về thì các địa phương phối hợp chặt với các tỉnh, thành khác tổ chức đưa bà con về chu đáo, có kiểm soát. Riêng việc đi lại bên trong 4 địa phương này thì từng bước nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ.
Theo Tuổi Trẻ Online, cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết theo thống kê, hiện có 3,5 triệu người các tỉnh thành trong cả nước đang làm việc tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó có 2,1 triệu người đang có nguyện vọng về quê.
Theo ông Hùng, hiện các tỉnh khác tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 toàn dân còn rất thấp, nếu không kiểm soát việc người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông dẫn chứng kinh nghiệm khi TP.HCM công bố gia hạn các đợt giãn cách đã có hàng trăm nghìn người về quê, trong số đó đã có người đưa dịch về các tỉnh.
Kết luận cuộc họp, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất kiến nghị của các tỉnh. Mặt khác cho biết Tổ công tác đã kiến nghị Thủ tướng tiếp tục ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận.
Dự kiến trong vòng 1 tháng nữa khi lượng vắc xin ưu tiên phân bổ cho các tỉnh, thành trong khu vực nhiều, tăng độ phủ vắc xin để việc giao lưu qua lại thuận lợi. Khi tỉ lệ tiêm vắc xin của các tỉnh, thành khác cao lên sẽ tạo điều kiện để người dân đi lại.
VnExpress cho biết, đến nay, Bình Dương, Đồng Nai và Long An gần 80 ngày, riêng TP.HCM hơn 120 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Những ngày gần đây, sau khi một số tỉnh thành ở miền Tây nới lỏng giãn cách, nhiều người ở Long An, Tiền Giang đã về quê bằng xe máy dẫn đến ùn ứ tại các chốt kiểm soát. Trước đó, ngày 15/8 khi hay tin TP HCM tiếp tục giãn cách kéo dài, nhiều người dân cũng tự chạy xe máy về quê nhưng bị lực lượng ở các chốt kiểm soát cửa ngõ chặn lại.