Tính đến nay, sau nhiều ngày cứu hộ bé trai 10 tuổi, công tác vẫn đang được tiến hành và duy trì để đưa Hạo Nam lên bàn giao cho gia đình sớm nhất.
- Tính khả thi của phương án giải cứu bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp ngày 8/1: Tận dụng mọi thiết bị, chú ý an toàn và thời gian
- Chuyên gia lý giải thêm về trường hợp tai nạn của bé trai ở Đồng Tháp: Tỷ lệ sinh tồn thấp vì địa chất bùn lầy
Sau rất nhiều ngày tìm kiếm, kết quả chưa như mong đợi, nhiều người cũng thắc mắc và đặt câu hỏi vì sao việc kéo ống cọc bê tông lên lại khó khăn và mất nhiều thời gian như vậy? Ngoài những yếu tố về địa chất, thiết bị thiếu, thì yếu tố về kỹ thuật cũng được các chuyên gia lý giải.
Trao đổi với tờ Giao Thông, giám đốc một công ty chuyên xây dựng các cầu lớn ở phía Nam cho biết, phương án cứu nạn hiện nay của các lực lượng chức năng đang đi đúng hướng và không thể nóng vội được mà phải cẩn trọng, kiên trì.
Vị này lý giải: "Ống cọc bê tông được đóng xuống sâu vào lòng đất đến 35m, xung quanh là lớp đất sét bám chặt vào cọc. Khi kéo lên, lớp đất sét càng bám chặt vào cọc hơn, tạo lực ma sát rất lớn".
Cùng với đó, khi cọc kéo lên, sẽ tạo hiệu ứng hút chân không, vì khoảng không gian mà cọc đã đóng xuống. Có thể hình dung như một xilanh kim tiêm, khi bịt lại một đầu, việc kéo xi lanh lên sẽ khó khăn, vì phía dưới là chân không. Cả hai yếu tố ma sát và chân không khiến việc kéo cọc lên không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ.
Thứ hai, ống cọc bê tông dài 35m nhưng được nối bởi 3 cọc bằng 2 mối hàn và chỉ hàn vỏ cọc bên ngoài, không phải hàn toàn bộ cọc. Các mối hàn này chịu lực đóng xuống rất tốt, nhưng chưa hẳn chịu lực kéo lên tốt. Vì vậy, nếu kéo căng quá có thể gây đứt mối hàn, có thể kéo lên được 2 cọc, 1 cọc bị đứt nằm ở lại dưới sâu sẽ càng khó khăn hơn.
Dùng búa rung để rung cọc, nhằm vắt ra nước, giảm ma sát giữa lớp đất sét và cọc bê tông, giúp quá trình kéo lên thuận lợi hơn. Nhưng nếu rung quá nhiều cũng có khả năng làm đứt mối hàn giữa các cọc. Trường hợp xấu cũng có thể làm đứt mối nối.
"Giải pháp mà các lực lượng đang thực hiện là đúng phương pháp, phải cẩn trọng, kiên trì. Dùng khoan xoắn để khoan, phá, làm tơi lớp đất sét mới dễ dàng kéo cọc bê tông lên", vị này nói.
Có mặt tại hiện trường trong những ngày qua, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, Tổ trưởng Tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ tại công trình cầu Rọc Sen cho biết, ai cũng nóng lòng kéo cọc bê tông lên để đưa bé Hạo Nam về với gia đình, nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Các lực lượng đã huy động cần cẩu 35 tấn, 50 tấn và 80 tấn đến công trường. Việc vận chuyển các thiết bị này vào rất khó vì phải đi bằng đường thuỷ, nhưng lại mắc kẹt tại các cầu nhỏ dân sinh, phải chờ con nước xuống nên mấy ngày mới vào được.
Trước đó, mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng đến công tác triển khai cứu nạn.
Theo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 12-1, công tác cứu nạn vẫn tiếp tục khẩn trương, không ngừng nghỉ.
Đến sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại cầu Rọc Sen đã hạ hoàn chỉnh tầng khung chống 4 và đào được sâu hơn tầng 4 khoảng 2m. Dự kiến chỉ cần đào thêm khoảng 0,5m nữa lực lượng sẽ tiến hành cắt các đầu cọc bê tông xung quanh để lắp tầng khung chống 5.
Tiếp theo đó, lực lượng sẽ tiếp tục đào đất bằng gầu cạp kết hợp gầu ngoạm và sử dụng 2 vòi xói cắt phá đất tại các khu vực chật hẹp mà gầu cạp, gầu ngoạm không thao tác được.
Công tác cứu hộ để đưa bé trai lên cho gia đình an táng vẫn đang được thực hiện khẩn trương.
Trưa 31-12-2022, bé trai Thái Lý Hạo Nam cùng 3 bạn cùng xóm vào công trình thi công cầu Rọc Sen thì không may bị rơi vào trụ bê tông sâu 35 m và tử vong.