Thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn tại Việt Nam và để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội mà đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp chính là các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ bản thân trước các vấn đề này vẫn còn rất hạn chế, nguyên nhân có nhiều nhưng dễ nhận thấy nhất là do trình độ nhận thức và hành vi ứng xử của các đối tượng.
- Mẹ cháu bé 9 tuổi nghi bị bạo hành: Cô giáo giới thiệu là thạc sĩ chuyên ngành sư phạm, đây không phải lần đầu tiên con bị đánh
- Tin MỚI vụ bé chậm phát triển nghi bị bạo hành ở Hà Nội: Cơ sở không người, cô giáo dạy tự phát
Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp lý để thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, từ Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ban hành năm 2007, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015… cùng với đó là nhiều văn bản dưới Luật khác được ban hành nhằm đưa ra các nguyên tắc, biện pháp và quy định cụ thể về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, xử lý vi phạm trong phòng chống bạo lực gia đình.
Gần đây nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi (ban hành năm 2022, có hiệu lực từ 01/7/2023), trong đó chỉ rõ bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Mặc dù hệ thống pháp luật của Việt Nam được quy định rõ ràng như vậy nhưng để giải quyết được vấn nạn này không phải là việc 1 sớm 1 chiều có thể làm được ngay. Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực gia đình tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê các vụ bạo lực xảy ra trong các gia đình Việt Nam thời gian qua dù có giảm nhưng tính chất các vụ việc vẫn rất phức tạp. Điển hình như các vụ tra tấn trẻ em (bạn gái của bố tra tấn, hành hạ bé 8 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh-2021), đóng đinh vào đầu con riêng của bạn gái (tại Hà Nội-2022), gần đây nhất là vụ người phụ nữ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành dã man (Hải Dương-5/2023)…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này nhìn chung là do các trình độ nhận thức và hành vi ứng xử của người dân, các thành viên trong gia đình chưa cao. Phần lớn các vụ bạo lực gia đình xảy ra trong các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa của thành viên trong gia đình thấp, nhận thức về các vấn đề nuôi dạy, giáo dục con cái thấp… Chính vì vậy, cần phải có các giải pháp giải quyết từ nguyên nhân, gốc rễ vấn đề.
Chẳng hạn, chính quyền địa phương có thể tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, hiểu được về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ… của mình đối với gia đình, với cộng đồng dân cư, với xã hội, từ đó gắn kết hơn gia đình với các tổ chức, cơ quan, đơn vị tại địa phương, tạo cầu nối cho người yếm thế "tự và được" bảo vệ.
Hoặc, địa phương hướng dẫn xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân; tổ dân phố phối hợp với hội phụ nữ, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên… xây dựng các phong trào gắn với các hộ gia đình như: phát huy truyền thống tốt đẹp trong từng gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, phong trào nuôi con khỏe- dạy con ngoan…
Cùng với đó, nâng cao vai trò của các tổ cộng đồng, đoàn thể xã hội tại địa phương qua công tác giáo dục nhận thức cho các thế hệ trẻ, nêu cao truyền thống gia đình, tấm gương điển hình, tính gương mẫu của người già, hòa giải viên cơ sở hòa giải mâu thuẫn thấu tình đạt lý, động viên, khuyến khích những hành động đẹp trong văn hóa ứng xử, gia đình hạnh phúc…
Có thể thấy rõ rằng, bạo lực gia đình sẽ để lại nhiều hệ lụy tới các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng tới đời sống gia đình cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển của cộng đồng, xã hội, mà việc phòng chống, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình sẽ còn nhiều khó khăn, gian nan. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay của mỗi người trong xã hội để cùng nhau góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.