Sau những ngày tháng "địa ngục", các thanh niên được cơ quan chức năng đưa trở lại quê hương an toàn, đó là một niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời.
- Cậu bé mồ côi làng SOS trở thành thầy giáo tiếng Anh truyền cảm hứng
- Xúc động với mong ước giản dị của sĩ tử trước ngày thi tốt nghiệp THPT: ' Được đứng chung khung hình với người anh quá cố'
5 thanh niên cuối cùng được giải cứu
Đại tá Trần Thanh Bình - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai xác nhận với Tiền Phong rằng, 5 nạn nhân cuối cùng ở làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị lừa sang Campuchia để làm " việc nhẹ, lương cao " đã được giải cứu.
5 nạn nhân gồm: Puih Đại (SN 1998), Puih Môi (SN 2004), Ksor Jối (SN 2004), Puih Chiêu (SN 2003), Ksor Gum (SN 1999). Hai ngày trước, Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam cũng đã giải cứu 2 nạn nhân ở làng Kloong là Puih Thái ( SN 1994) và Puih Phú (SN 2006).
Tất cả các nạn nhân trên đều bị đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001, trú xã Ia Dal, huyện Ia Hdrai, Kon Tum) lừa sang Campuchia để làm việc trong một sòng bài do người Trung Quốc quản lý.
Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, đối tượng Quyết lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin của các thanh niên làng Kloong để dụ dỗ họ qua Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".
Tuy nhiên, sau khi các thanh niên được đưa sang Campuchia, họ bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập thường xuyên bằng gậy và dây điện, dọa giết hoặc bán đi nơi khác, trái ngược hoàn toàn với những gì được quảng cáo.
Khi các nạn nhân thấy quá khổ và kêu cứu đời trở về thì chúng bắt họ phải chuyển khoản 150 triệu đồng chi phí "bồi thường hợp đồng lao động".
Một nạn nhân sau khi được lực lượng biên phòng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam giải cứu - kể lại với Tuổi Trẻ về những ngày tháng "địa ngục" như sau: "Khi sang đến nơi, tôi bị bắt làm việc mỗi ngày hơn 12 tiếng. Nơi đây luôn có hàng chục bảo vệ trang bị súng ống canh phòng. Người nào làm sai quy định sẽ bị đưa tới khu vực nhà đày (chuyên chích điện và đánh người). Không ít người cố gắng tìm cách bỏ trốn đã nhảy lầu hoặc bị bắt lại và hành hạ đến chết".
Làm việc trong "địa ngục trần gian", các nạn nhân còn bị áp lực tâm lý từ những lời đe dọa của "công ty ma" rằng người nào không làm được sẽ bán sang công ty khác với giá 4.000 - 6.000 USD mỗi người. "Họ xem con người giống như món hàng hóa. Ai không chịu nổi thì tìm cách bỏ trốn hoặc gọi gia đình gửi tiền chuộc", một nạn nhân kể với nguồn trên.
Nước mắt ngày về
Ngày trở về của các thanh niên làng Kloong dính bẫy của bọn tội phạm buôn người ngập trong nước mắt. Sau những ngày tháng "địa ngục", họ được cơ quan chức năng đưa trở lại quê hương trong vòng tay gia đình, được hít thở không khí quê nhà là niềm vui không thể tả xiết.
Nghe tin các thanh niên làng Kloong trở về an toàn, nhiều gia đình quyết định nghỉ buổi làm nương làm rẫy để ở nhà đón những thanh niên trót nghe lời kẻ xấu trở về quê hương.
Nói với PV Thanh Niên, bà Ksor Byel không giấu nổi vui mừng: "Tưởng mình không thể gặp lại thằng Ksor Chiêu con mình nữa. Giờ thì vui quá rồi. Nghe tin từ tối hôm qua nó đang được các chú biên phòng đưa về nên mình mừng quá, cả đêm không ngủ được. Cứ để cửa để nó vào nhà nếu nó về sớm! Ba nó mất từ nhiều năm trước rồi."
Bà Ksor Byel chìm trong nước mắt khi nghĩ đến đứa con dại dột của mình. Thương mẹ làm rẫy kiếm sống khổ qua, Ksor Chiêu mới tin lời đi theo người ta để kiếm được nhiều tiền. Nhưng tiền đâu chẳng thấy, chỉ thấy họ đánh đập, bỏ đói.
"Sáng nay gặp, hai mẹ con cùng khóc vì vui mừng. Nó nói biết dại rồi, lo ở nhà làm ăn thôi, không bao giờ dám đi thêm lần nào nữa", bà Ksor Byel nói với nguồn trên.
Anh Puih Đại (24 tuổi), một trong số những nạn nhân trở về trong vòng tay gia đình tuy rất hạnh phúc nhưng tâm trạng vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Anh Đại cùng anh ruột Puih Thái đều bị bán sang"động quỷ" ở Campuchia, nhờ cơ quan chức năng mới trở về nhà an toàn.
"Nghĩ lại vẫn thấy còn sợ. Nhà mình nghèo, tiền đâu mà lo nổi hơn cả trăm triệu để chuộc về. Cảm ơn các cơ quan chức năng Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ, giải cứu em và mọi người trong làng về nhà. Đừng ai tin bọn lừa đảo đó, chẳng có lương cao hay được đối xử tử tế gì đâu. Chúng hành hạ mình, đòi tiền chuộc thôi!", Đại nói với báo Thanh Niên.
Đây là có lẽ bài học đắt giá sẽ đi theo các thanh niên làng Kloong đến suốt cuộc đời. Còn người là còn của, chỉ cần các thanh niên trở về an toàn, mọi thứ có thể làm lại từ đầu.
Giải cứu 400 người, hỗ trợ 1.500 người Việt ở Campuchia
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trước tình trạng người Việt bị lừa sang Campuchia và bị cưỡng bức lao động, cơ quan chức năng Việt Nam đã vào cuộc và thường xuyên trao đổi, phối hợp với phía Campuchia thực hiện nhiều biện pháp để bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam tại Campuchia gặp khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước.
Cho đến nay, các cơ quan hai bên đã đưa về Việt Nam được khoảng 400 trường hợp, đồng thời hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp gặp khó khăn trong xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú hoặc vi phạm luật pháp sở tại.