Dù tham ô số tiền rất lớn từ ngân quỹ của trường, nhưng đến khi bị bắt, nữ thủ quỹ của Đại học Bách khoa Đà Nẵng vẫn lâm vào cảnh nợ nần, phải bán nhà và cầm cố luôn ô tô mà người thân đang chạy Grab để lấy tiền chuyển cho… đối tượng lừa đảo.
- Nhận thông báo 'con đang cấp cứu', nhiều phụ huynh tá hỏa phát hiện bị lừa 70 triệu đồng
- Nam thanh niên ở Cà Mau ngồi tù oan hơn 800 ngày: 'Bây giờ chỉ muốn được bình yên để ổn định cuộc sống'
Ngày 3/3, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng cho biết, hiện Cơ quan điều tra đã phong tỏa giao dịch, kê biên và tạm giữ số tài sản trị giá hơn 100 tỉ đồng trong vụ án tham ô xảy ra tại Trường ĐH Bách khoa - Đại Học Đà Nẵng.
Đặc biệt, Cơ quan điều tra cũng xác định, tổng số tiền bị "rút ruột" mà các đối tượng đã thực hiện tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là 136 tỉ đồng, vượt xa con số 86 tỷ đồng tại thời điểm vụ việc mới bị phát hiện. Trong số tiền này có tiền lương của giảng viên, tiền học phí, học bổng của các sinh viên,…
Trong vụ án này, Công an TP Đà Nẵng cũng vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thị Huỳnh Như (SN 1987, ngụ phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạ tài sản. Như đã chiếm đoạt từ Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973, trú quận Thanh Khê, đã bị khởi tố về tội tham ô tài sản) - Thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng số tiền lên đến hơn 65 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Như khai nhận, sau buổi gặp mặt đầu năm 2021, Như biết Tâm là thủ quỹ của Đại học Bách khoa Đà Nẵng và nắm giữ số tiền lớn, nên đã nảy sinh ý định lừa đảo và dùng nhiều chiêu trò để chiếm đoạt rất nhiều tiền mà Tâm rút từ ngân quỹ của trường.
Kết quả điều tra cho thấy, đầu năm 2021, qua mạng xã hội, Tâm quen Như và cả 2 rủ nhau đi cà phê. Tại đây, Như giới thiệu với Tâm có một người em họ tên Hùng đang sinh sống và kinh doanh gỗ tự nhiên tại Lào.
Vài ngày sau lần gặp gỡ duy nhất đó, Tâm nhận được đề nghị kết bạn từ tài khoản Zalo có tên Hùng. Sau đó Hùng liên tục nhắn tin, nói rằng tại Lào đang có một lô gỗ thanh lý giá 1 tỷ đồng và rủ Tâm cùng góp vốn, chia đôi lợi nhuận.
Tin lời, Tâm nhờ Hoàng Quang Huy (SN 1989; Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đã bị bắt về tội tham ô tài sản) cho mượn 500 triệu đồng từ quỹ của Đại học Bách khoa Đà Nẵng và chuyển cho Hùng qua tài khoản mang tên N.K.D.
Vài ngày sau, Hùng báo cho Tâm đã bán lại lô gỗ với giá 1,2 tỉ đồng, nên chia cho Tâm 100 triệu đồng. Lúc này, Tâm không rút tiền vốn mà tiếp tục rút tiền từ tài khoản của Đại học Bách khoa Đà Nẵng đưa cho Hùng.
Đến khi tiền góp vốn lên đến 5 tỉ đồng thì Hùng nhắn bảo lô gỗ bị lực lượng chức năng của Lào giữ, đề nghị Tâm chuyển thêm tiền chung chi để tránh khỏi mất hàng.
Cuối năm 2022, Hùng liên hệ với Tâm khoe mình đánh bạc ở Malaysia thắng 90 tỉ đồng. Nhưng muốn nhận tiền thắng cược phải nộp trước một khoản tiền thuế, và nhờ người lo lót cho lực lượng chức năng của Malaysia và Campuchia. Hùng nói Tâm cho mượn tiền, hứa khi về Việt Nam sẽ hoàn trả và thưởng cho Tâm một số tiền lớn.
"Phóng lao đành phải theo lao", với mong muốn lấy lại được toàn bộ số tiền đã góp vốn đầu tư, Tâm tiếp tục dùng séc chưa ghi thông tin đề xuất hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng thời điểm đó là ông Đoàn Quang Vinh (SN 1962; đã bị bắt về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí) ký.
Từ đó Tâm rút hàng chục tỉ đồng từ tài khoản của nhà trường cho đến khi bị bắt về hành vi "Tham ô tài sản".
Đáng nói, việc bị tham ô số tiền lớn trong một thời gian dài khiến ngân quỹ của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trống rỗng. Nhiều cán bộ, giảng viên bị nợ lương. Nhiều sinh viên ra trường gần 1 năm vẫn chưa nhận được học bổng.
Ngay sau khi Công an Đà Nẵng vào cuộc điều tra, Đại học Đà Nẵng đã hỗ trợ trường Đại học Bách khoa giải quyết trả lương dứt điểm cho cán bộ, viên chức bị nợ lương; giải quyết xong toàn bộ học bổng cho sinh viên cùng các chế độ liên quan khác cho cán bộ viên chức và sinh viên kịp thời.
Điều bất ngờ là dù tham ô với số tiền rất lớn, nhưng trước khi bị bắt, nữ thủ quỹ này không còn tài sản giá trị lớn và phải bán nhà, đi ở nhà thuê. Phần lớn số tiền do phạm tội mà có, Tâm đã bị kẻ gian lừa. Phần còn lại, Tâm đã tiêu xài, hoặc làm ăn thua lỗ. Ngay cả chiếc ô tô mà người nhà đang sử dụng để chạy Grab, Tâm cũng cầm cố vài ngày trước khi bị bắt, lấy 400 triệu đồng chuyển vào tài khoản N.K.D.
Tuy nhiên, qua điều tra, công an xác định người đàn ông tên Hùng là L.T.Hùng, người quen của Như. Hùng có làm ăn tại Lào như đã giới thiệu tại buổi gặp mặt, nhưng không nhắn tin Zalo rủ Tâm hùn hạp tiền để buôn gỗ. Còn N.K.D là cháu của Như, được Như mượn nhờ tài khoản với lý do để thực hiện giao dịch làm ăn với các đối tác. Cả hai đều không biết và không tham gia thực hiện hành vi lừa đảo với Như.
Nhờ sự vào cuộc khẩn trương, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng đã kê biên, thu hồi tài sản và ngăn chặn các đối tượng tẩu tán. Trong số hơn 100 tỉ mà cảnh sát đang thực hiện kê biên có 25 tỉ đồng từ bị can Phạm Thị Huỳnh Như. Số tài sản còn lại được cơ quan công an kê biên, phong toả và tạm giữ từ các bất động sản, vàng, sổ tiết kiệm, tiền trong tài khoản của các bị can khác có liên quan.