Trong phần một công trình nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền, ông đề xuất chuyển đổi tiếng Việt thành "tiếq Việt". Thế nhưng đến khi công bố phần hai, ông lại đề xuất đổi thành "tiếw Việt".
Ở phần hai của công trình nghiên cứu, tác giả Bùi Hiền phân tích hệ thống nguyên âm và phụ âm bằng cách thống kê lại, sau đó lập một bảng chữ cái mới tương ứng.
Cách đọc của bảng chữ cái có nhiều thay đổi
Đề xuất cải cách bảng chữ cái là công trình nghiên cứu tâm huyết của PGS. TS Bùi Hiền được thực hiện trong 40 năm. Công trình nghiên cứu này mang đến sự thay đổi lớn ở bảng chữ cái. Mặc dù trật tự a - b - c vẫn giữ nguyên nhưng cách đọc một số chữ sẽ hoàn toàn thay đổi như f (phờ), j (jờ), k (chờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
Trả lời Zing, tác giả Bùi Hiền giải thích: "Với chữ hiện hành có một âm vị ch (chờ) nhưng khi viết lại có 4 chữ cái là Ch ch, Tr tr tạo nên việc rườm rà, vì thế tôi chỉ lấy một chữ c đọc là (chờ). Tôi bỏ chữ đ, và thêm chữ j trong bảng chữ cái tiếng Việt mới để hội nhập với quốc tế. Tôi sử dụng chữ f (phờ) thay cho ph, thay chữ g (gờ) cho gh để rút gọn ký tự".
Trong bảng chữ cái do ông Bùi Hiền nghiên cứu, chữ x của âm vị cũ sẽ bị xóa bỏ, tạo nên âm vị mới là x (khờ). Thay vào đó, chữ s sẽ biểu thị cho cả x và s. Một số âm vị mới cũng được thay đổi như k (cờ), w (ngờ)...
Ở phiên bản hoàn chỉnh này, có sự thay đổi so với phần 1 đã công bố. Theo đó chữ q (thờ) biểu thị chữ th, chữ w (ngờ) biểu thị chữ ng.
Nói về sự khác biệt này, ông cho biết: "Chữ ng thường đứng ở vị trí cuối của một từ, vì thế khi chuyển đổi trong một văn bản có quá nhiều chữ q đứng cuối thì nhìn sẽ… chướng mắt. Chính vì thế, đề xuất cải tiến chữ Tiếng Việt của tôi chuyển thành Tiếq Việt ngay lập tức bị phản ứng, sau quá trình nghiên cứu, tôi đổi thành Tiếw Việt".
Những lợi ích của việc cải tiến bảng chữ cái
Theo PGS.TS Bùi Hiền, cải tiến bảng chữ cái sẽ đem lại bốn lợi ích to lớn sau:
1. Thống nhất được chữ viết cho cả nước khi trở thành chính thức. Loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập, không nhất quán trước đây thường gây khó khăn cho người dùng và rất dễ dẫn tới những lỗi chính tả không đáng có cho người viết, nhất là giúp cho học sinh trút bỏ được nỗi ám ảnh vì lo sợ phạm lỗi : s – x, ch – tr, d – gi –r, ng – ngh...
2. Tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập văn bản trên giấy, trên máy tính.
3. Rút ngắn thời gian cho mọi người bắt đầu học (nhất là học sinh, người dân tộc và người nước ngoài) có thể nắm chắc bảng chữ cái cải tiến, nhanh chóng thành thạo cách viết và đọc văn bản tiếng Việt mới.
4. Tạo điều kiện thuận lợi cho người đã biết chữ dễ dàng chuyển đổi từ cách viết và đọc chữ quốc ngữ cũ sang chữ quốc ngữ mới : chỉ từ 30 phút đến 1 giờ là có thể xoá được "nạn mù chữ", chứ không phải mất 1-2 năm như trước.