3 chiếc quan tài nhỏ phủ vải trắng đặt một hàng giữa nhà, khi tỉnh là chị Thanh lại nhào tới, giọng khản đặc nấc không thành tiếng: “Hoài ơi, Phương ơi, Hiền ơi, răng các con lại bỏ mà đi...”
- Đau xót hai anh em ruột ở Lâm Đồng đuối nước thương tâm
- Rủ nhau cắm trại ở đập nước, 5 em học sinh lớp 8 đuối nước thương tâm
Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà anh Hoàng Văn Lý (SN 1972) và chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1971) ở thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình khi 3 đứa con của anh chị vừa bị đuối nước đêm 24/6.
Vợ chồng anh Lý có tất cả 10 người con nhưng hiện nay còn 9. Các cháu Hoàng Thị Hoài (SN 2009), Hoàng Thị Phương (SN 2011) và Hoàng Văn Hiền (SN 2013) lần lượt là con thứ 8, 9, 10.
Chiều tối qua, do quá nóng bức nên 3 chị em rủ nhau ra con hói nối với sông Gianh nằm ngay sau nhà để tắm. Theo những người dân trong thôn thì bình thường con hói này nước cạn, trẻ con trong thôn vẫn hay ra tắm.
Trong khi các con đi tắm, chị Thanh nấu cơm tối cho cả gia đình còn anh Lý đang đi phụ việc cho một người trong thôn.
Một lúc sau, không thấy các con về nên chị Thanh đi tìm thì phát hiện ra quần áo các con vẫn để trên bờ. Mặc dù đã cố gọi nhưng không có tiếng trả lời, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị hô hoán mọi người tìm giúp.
“Nghe tiếng kêu cứu, tôi và vài người hàng xóm chạy đến, bơi xuống và tìm kiếm thì phát hiện được cả 3 cháu. Sau khi đưa lên bờ, chúng tôi đã dùng rất nhiều cách như hô hấp nhân tạo, đắp đất lên người để cứu các cháu nhưng do ở dưới nước quá lâu nên các cháu đều đã tử vong”, một người hàng xóm của gia đình chia sẻ.
Từ sáng sớm, người dân thôn Thanh Châu đã gác hết mọi công việc, về nhà anh Lý để cùng lo hậu sự và chia buồn cùng gia đình. Ai cũng bật khóc khi nhìn thấy di ảnh 3 chị em xếp hàng trên bàn thờ nhỏ.
Trong nhà, 3 chiếc quan tài xếp thành hàng, tiếng khóc ai oán của người thân, hàng xóm và của những người đến thắp hương chia buồn nghe đến nhói lòng, xót xa.
Ngôi nhà nhỏ nóng bức, hương khói nghi ngút, vợ chồng anh Lý và người nhà thường xuyên bị ngất nên trạm y tế xã phải cắt cử cán bộ túc trực để theo dõi sức khỏe.
Vừa ôm quan tài lần lượt từng đứa con, anh Lý vừa khóc vừa kể: “Cả ngày hôm qua tôi đi phụ việc cho một gia đình trong thôn, đang làm thì thấy bứt rứt trong người, một lúc sau thì nhận tin dữ. Tôi nghe mà không thể tin, làm sao chuyện này có thể xảy ra với ba đứa con của tôi cùng lúc chứ…”.
Bữa tối cuối cùng còn chưa kịp ăn
Chị Thanh, vừa khóc vừa lấy tay đấm vào ngực, cuộc sống cơ cực nhưng bữa ăn đầy đủ tất cả các con là niềm hạnh phúc của người làm mẹ như chị. Chị bảo chị áy náy, vì bữa cơm tối cuối cùng chị nấu các con còn chưa kịp ăn.
Gia đình anh Lý, chị Thanh thuộc hộ nghèo, vì đông con lại không có nghề nghiệp ổn định, hai vợ chồng thường đánh cá trên sông Gianh và làm thuê qua ngày.
Mấy năm qua có nhiều trận lũ lớn, cứ mỗi trận lũ là căn nhà nhỏ anh chị ngập tới nóc. Hai năm trước, vợ chồng anh đánh liều vay mượn người thân xây một căn nhà nhưng vì không đủ tiền nên chỉ mới xong phần thô để có chỗ ở cho các con.
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho biết: “Gia đình nạn nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau khi sự việc xảy ra chính quyền địa phương đã kịp thời thăm hỏi, động viên và bố trí lực lượng đến hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho các cháu. Chính quyền cũng kêu gọi các nhà hảo tâm và bà con nhân dân chung tay hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn”.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa và xã Châu Hóa cũng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã kịp thời kêu gọi, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn, lo an táng cho các cháu theo phong tục địa phương.
Đến chiều nay, khi thi thể các em nhỏ xấu số đã được đưa đi an táng, những tiếng khóc ai oán đến nghẹn lòng vẫn vang lên trong đoàn người đưa tiễn.
Chưa bao giờ, làng quê nghèo Thanh Châu phải ghánh chịu nỗi đau thương đến thế.