Bất ngờ nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, vợ chồng người công nhân U50 lo lắng, buồn bã và mông lung. Từ sau cuối tháng 10, anh chị chưa biết làm gì để lo cho cuộc sống sắp tới.
- Tình hình sức khỏe nữ ca sĩ gặp tai nạn va chạm liên hoàn ở cao tốc Pháp Vân
- Lời khai rùng rợn của người bạn thân nghi sát hại người phụ nữ bán cá tử vong ở Bắc Giang: mâu thuẫn với hiện trường vụ án
Theo thông tin từ Báo Dân Sinh, qua thống kê phương án sắp xếp lao động của 22 doanh nghiệp gửi đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy số lao động bị cho thôi việc hiện tại là 1.643 người, chủ yếu thuộc lĩnh vực may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.
Trước đó, ngày 1/11, Công ty TNHH Tỷ Hùng (Quận Bình Tân, TPHCM) đã có thông báo chấm dứt HĐLĐ với 1.185 người lao động của công ty. Theo Công ty Tỷ Hùng cho hay: “Do ảnh hưởng tình hình kinh tế, công ty không có đơn hàng sản xuất, đây là lý do không ai mong muốn. Mặc dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng công ty chúng ta gặp nhiều khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch đề ra”. Vì vậy, công ty buộc phải thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 1.185 người lao động từ ngày 1/12/2022.
Trước tình hình trên, theo thông tin từ Báo Lao Động, công ty Samho ở An Giang cũng có hơn 5.000 công nhân sắp mất việc làm dịp cuối năm. Theo LĐLĐ tỉnh An Giang, nhiều khả năng Công ty TNHH này sẽ thực hiện việc cắt giảm lao động mạnh. Điều này sẽ kéo theo có hàng nghìn công nhân đối diện nguy cơ mất việc làm.
Sau giờ tan ca, vợ chồng chị Phan Thị Phấn và anh Tô Văn Sử (cùng 46 tuổi, quê Sóc Trăng) lội bộ về dãy trọ nằm trong hẻm sâu ở Q.Bình Tân, TP.HCM, mới đây, anh chị chia sẻ tâm trạng nặng nề, buồn bã trong suốt những ngày qua. Chia sẻ trên Báo Thanh Niên, ở quê nghèo không có đất đai để làm việc, từ năm 2010, hai vợ chồng quyết định lên làm công nhân, chắt chiu từng đồng, tiết kiệm nuôi con cái và gửi về cho ông bà ở quê. Nhiều năm trôi qua, anh chị tằn tiền đến chiếc xe cũng không có, sau giờ làm anh chị lại về nhà, nấu cơm, ngủ nghỉ, sáng sớm dậy ăn cơm nguội rồi tiếp tục đi làm.
Anh Sử cho hay, ở quê, nhà anh được chính quyền hỗ trợ xây dựng căn nhà tình thương khi cha mẹ còn sống, bên vợ anh thì nghèo hơn, chỉ có căn nhà lá dựng cột, mỗi lần mưa là xách thau hứng nước khắp nơi: “Tưởng đâu xin được ở công ty này là ổn định cuộc sống rồi, không dư dả gì nhưng đủ ăn và lo được cho con đi học. Sắp tới không có tiền là nhà trọ cũng không có mà ở, chứ nói gì chuyện ăn uống”- cả hai bộc bạch.
Tổng lương công nhân của anh chị được biết khoảng 15 triệu đồng, trừ tiền nhà trọ, chi tiêu, anh chị đều gửi về cho gia đình hai bên và nuôi con cái ăn học. Bất ngờ nhận thông tin mất việc, hai vợ chồng đờ đẫn như người mất hồn. Anh thở dài: “Tết tới sát rồi không biết sao nữa, mới đây, vợ chồng con gái lớn cũng mới gửi con ở nhà nội, lên ở trọ cùng vợ chồng tôi để đi làm công nhân; con gái út thì học lớp 10, ở với ngoại. Tôi bị thoái hóa cột sống, vợ đau nhức xương đòn, tiền thuốc men liên tục”.
Trong căn nhà trọ chật chội, chị Phấn buồn bã nấc nghẹn: “Người ta một người mất việc đã khổ rồi, nhà tôi thì cả hai người mất việc, về ngủ không được, cứ nằm xuống là nghĩ phải làm công việc gì, Tết cận nơi. Nghĩ đến những ngày lội nước ngập đến đầu gối đi làm, giờ không biết phải làm sao, chưa bao giờ bế tắc như lúc này.”
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ trên Báo Dân Sinh, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt, cắt giảm lao động của các doanh nghiệp, đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm lên kế hoạch tổ chức tiếp xúc với người lao động và tổ chức công đoàn cơ sở. Từ đó, có phương án giải quyết, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với lực lượng đang bị cắt giảm.
Ngoài ra, Sở đã thống nhất thành lập tổ liên ngành để khảo sát lại nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các đơn vị thiếu hụt đơn hàng hoặc nơi đang có đơn hàng giảm trong quý IV-2022 và quý I-2023 để các bên có phương án xử lý.
Hiện, nhiều người dân mất việc vẫn đang từng ngày từng giờ đau đáu nhìn về tương lai. Như anh Sử, chị Phấn đi đâu, gặp ai cũng xin số điện thoại để mong ai đó tìm được việc làm có thể giới thiệu để vợ chồng chị đến xin việc theo. Nỗi lo lớn nhất của anh chị lúc này là cả hai đều đã 46 tuổi, không có xe máy, không biết tìm việc gì cho phù hợp.