Covid-19 khiến nhiều người trẻ mất việc nhưng cũng không ít trong số đó chủ động tìm một con đường riêng cho mình. Chủ động hay bị động, họ đang từng bước tìm lại sự ổn định trong công việc và cân bằng cuộc sống.
- Kiểm tra phòng trọ giữa mùa dịch, phát hiện điều bất ngờ
- Đà Nẵng đề xuất đưa người mắc kẹt ở thành phố trở về nhà
Minh 28 tuổi, từng làm nhân viên cho một công ty sự kiện. Khi tôi gọi điện, Minh đang dở tay trong khu vườn trồng đủ thứ rau màu và cây ăn quả. Covid-19 ập tới, cậu không biết sẽ loay hoay như thế nào ở Hà Nội khi các dịch vụ, sự kiện đa phần đều dừng lại. “Hay là về Mộc Châu một thời gian rồi tính?”, hồi đó cậu đắn đo lắm. Cậu lớn lên ở Mộc Châu cho tới khi xuống Hà Nội học đại học. Giờ nghĩ lại, chắc Minh cũng hài lòng với lựa chọn của mình. Làm nông nghiệp vốn không phải điều đơn giản nhưng cậu kể sau 3 tháng, Minh đã có một mảnh vườn nhỏ cũng không thua kém gì các mô hình trồng trọt người ta hay ngợi khen trên báo đài. Nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, Minh đùa khéo cậu sẽ ở lại Mộc Châu, làm nông nghiệp và làm homestay như trên Đà Lạt.
“Em vui với công việc hiện tại lắm anh, kinh tế thì chắc chắn không tốt như khi còn ở trên Hà Nội nhưng em ngủ ngon hơn và không phải dùng thuốc”, một thời gian ngắn sau khi mất việc, cậu đã dùng thuốc ngủ và thuốc trầm cảm.
Minh không phải ngoại lệ trong câu chuyện người trẻ chuyển hướng công việc vì Covid-19. Thị trường việc làm hiện tại càng co hẹp, các công ty cắt giảm nhân sự hoặc chỉ tuyển những vị trí chất lượng cao với mức lương cũng khó khăn hơn trước kia rất nhiều. Bạn phải chọn tách mình ra hẳn vòng xoáy đó và mở một lối đi riêng cho mình.
Vì Covid-19, có nhiều người trẻ đành phải đi tìm một công việc khác mà đôi khi, họ không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi. Nhưng cũng có nhiều người, vì Covid-19 nên đã sẵn sàng dấn thân theo đam mê, chủ động gây dựng công việc mới. Có nhiều người, ở giao điểm của hai lối đi đó.
Covid-19 đã thực sự thay đổi những định nghĩa, quan điểm truyền thống của nhiều người về “công việc”, “công việc ổn định” hay suy nghĩ phải bám trụ lấy thành phố. Trong một thế giới công việc ngả nghiêng đầy biến động, để đứng vững, bạn phải “nghiêng theo trục” và chấp nhận thay đổi để thích nghi.
Với nhiều bạn trẻ, Covid-19 đã giúp họ thoát ra khỏi được một “cuộc đua chuột”, chọn một con đường chông chênh hơn nhưng dần bứt ra khỏi cuộc khủng hoảng công việc toàn cầu.
Nguyễn Văn Hiền: Từ giám đốc kinh doanh tới giáo viên dạy tiếng Anh
Trước Covid-19, mình từng làm giám đốc kinh doanh cho một công ty du lịch cỡ vừa ở Hà Nội. Vì công ty chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài nên mọi thứ gần như đóng băng, công ty cắt giảm nhân sự. Dù du lịch nội địa có phục hồi được một phần trong dịp hè nhưng du lịch quốc tế chắc phải tới hết năm sau. Tuy mình không bị cho nghỉ việc nhưng lương cũng chỉ còn được nhận một nửa và làm ít ngày hơn.
Dịch ập đến thì cũng phải lựa theo công việc mà thay đổi. Mình quyết định chuyển sang công việc đi dạy tiếng Anh tại trung tâm vì đó cũng là một trong những đam mê và mong muốn theo đuổi từ lâu của mình rồi. Covid-19 vừa mang đến những khó khăn nhưng cũng tạo ra cơ hội để có nhiều thời gian hơn, tập trung phát triển thêm niềm đam mê thứ hai. Mình nghĩ cũng may mắn khi là dân kinh doanh nên “xoay” cũng nhanh; kể cả nếu không đi dạy thì chắc vẫn sẽ tìm được cách khác để thay đổi phù hợp với thời cuộc.
Đại dịch giúp mình hiểu câu nói "không nên bỏ trứng vào một giỏ" thực sự rất đúng đắn. Trong giai đoạn này, khó khăn nhiều nhưng cơ hội cũng không ít nên người trẻ hãy tận dụng thời gian này để khai phá bản thân ở những khía cạnh mới, dành thời gian trau dồi thêm kiến thức chuyên sâu mà trước đây vì quá bận rộn mà chưa sắp xếp được thời gian tìm hiểu. Như đợt dịch Covid-19 này, mình có nhiều thời gian để học tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng dạy học.
Đi qua hai lần dịch bùng phát tại Việt Nam, Covid-19 khiến mình nhận ra sẽ không có sự ổn định nào là mãi mãi, mỗi chúng ta phải luôn luôn chủ động thích ứng với sự thay đổi của môi trường xung quanh, luôn luôn tự làm mới mình và không ngại thử thách bản thân ở những điều mới mẻ hơn. Đặc biệt là đừng quên mang trong mình sự chuẩn bị để đối phó với những tình huống xấu bất ngờ diễn ra trong cuộc sống.
Đặng Ngọc Thúy: Nhân viên công ty tư vấn du học đến makeup artist
Mình rời Hà Nội, rời “thành phố chật chội náo nức” cũng được vài tháng kể từ khi hết giãn cách xã hội đợt một. Sài Gòn là điểm đến của mình, vẫn là một thành phố đông đúc khác nhưng ở đó có cơ hội cho mình phát triển với một nghề mới: Makeup artist. À, nhiều người vẫn đùa gọi là “thợ trang điểm” cho nó dân dã, gọi thế nào cũng được.
Không nằm trong nhóm bị cắt giảm vì Covid-19 nhưng mình cũng hiểu công ty khó khăn như thế nào. Dịch bệnh khiến cho công ty mình gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận khách hàng, khối lượng công việc và thời gian làm việc của nhân viên cũng được cắt giảm và tất nhiên là thu nhập cũng giảm một chút so với trước khi có dịch. Đó là lúc niềm đam mê với makeup trỗi dậy. Và mình quyết định đây là thời điểm thích hợp nhất để đi theo một con đường mới.
Tất nhiên khi chuyển qua một công việc mới, khó khăn là điều không tránh khỏi, dù mình có lý tưởng và đam mê công việc tới nhường nào. Lăn lộn ở một thành phố mới với công việc mới thực sự không dễ dàng chút nào. Nghề trang điểm nhìn qua thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chất chúng mình luôn cần trau dồi và cập nhật các kiến thức cũng như xu hướng trang điểm mới nhất. Ví dụ như trong mùa dịch, nhiều sự kiện hay đám cưới bị hoãn, mình không thể kiếm được thu nhập từ nghề trang điểm, nhưng mình dành thời gian đó để củng cố cũng như nâng cao tay nghề thì sẽ tốt hơn là ở nhà than vãn và chờ đợi. Nghề nào cũng vậy, nếu ngày nào chúng ta cũng chỉ tập trung và dành hết thời gian vào công việc hiện tại thì có thể sẽ quên mất việc trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân và cho chính công việc đó. Đôi khi một quãng nghỉ để nhìn lại cũng là một điều tốt.
Công việc là một khái niệm tương đối khi mình chỉ nghĩ tới việc làm kiếm tiền trong khi cuộc sống còn rất nhiều “công việc” khác mà nếu không có đợt dịch này, chắc mình cũng sẽ trì hoãn rất lâu nữa mới thực hiện. Ở Sài Gòn, ngoài việc đi học, đi thực hành trang điểm, mình có thời gian ở nhà để tập luyện, đọc sách, học tập… đủ thứ “công việc” cần cho cuộc sống mà nếu không vì Covid-19, mình khó có thể nhận ra nó cần thiết như nào.
Thay vì ngồi một chỗ càm ràm vì công việc, bạn nên tận dụng cơ hội này để tự nhìn lại bản thân mình đang có gì và thiếu gì, từ đó tìm ra những công việc có thể lấp đầy khoảng thời gian trống và giúp mình trở nên tốt đẹp hơn sau khi dịch bệnh qua đi. Mình nghĩ nên nhìn sự việc ở mặt tích cực để có thể chung sống với nó.
Đan Anh: Nhân viên marketing cho công ty đa quốc gia chuyển sang làm HLV Yoga trị liệu
Trước Covid-19, mình làm marketing cho một tập đoàn đa quốc gia về ngành hàng tiêu dùng nhanh rồi chuyển qua làm marketing ở một số Startup và có nhận thêm job freelance. Dần dần, job ít đi vì doanh nghiệp cắt lỗ không chạy các chiến dịch như dự định nữa, đồng thời mình cũng không thấy hứng thú với việc làm toàn thời gian nên khi bị cách ly xã hội, mình sẵn nghỉ việc luôn.
Ở thời điểm hiện tại, mình đã chuyển sang làm huấn luyện viên yoga trị liệu phục hồi và có 1 thương hiệu bánh không mập thường phục vụ đối tượng các bạn nữ thèm ăn bánh nhưng ngại béo. Vốn rất trân trọng giá trị sức khỏe, nên trong thời gian nghỉ dịch mình càng nhận thấy sức khỏe là chìa khóa cho một cuộc sống vui vẻ, chỉ cần khỏe mạnh mình đã thấy cuộc sống này đẹp nhiều rồi. Nên mình quyết định tìm một hướng nào đó mang lại giá trị về sức khỏe cao. Bên cạnh đó, nghỉ dịch rảnh rỗi làm bánh và bán thử thấy mọi người rất ủng hộ nên mình vẫn giữ việc bán bánh không mập này tới bây giờ và dự định sẽ “nuôi” nó lớn luôn.
Khi cho mình thời gian ngẫm lại những gì đã xảy ra trong Covid-19, mình nhận ra rằng không chỉ riêng công việc mà bất kì điều gì trong cuộc sống đều là vô thường, mọi việc có thể diễn biến theo bất kì cách nào mà không phải lúc nào mình cũng tính được, công việc cũng vậy, có thể có biến động. Thêm nữa, công việc dù sao cũng chỉ là một khía cạnh của cuộc sống, khi nghỉ dịch, mình mới thấy trân trọng và để tâm hơn tới những khía cạnh khác như là chăm sóc sức khỏe, bữa ăn, quan hệ với bố mẹ, gia đình họ hàng, phát triển kỹ năng của bản thân để không bị phụ thuộc vào một công ty bất kì.
Mình học yoga cũng lĩnh hội được những triết lý hay ho. Những thay đổi này thật ra vì chúng ta đang sống trong nó nên thấy nó to lớn, còn nếu đổi góc nhìn rộng ra cả một khoảng thời gian của vũ trụ thì những biến động hiện tại cũng chỉ như những gợn sóng nhỏ thôi. Việc thay đổi công việc từ một cô nàng suốt ngày cắm mặt vào màn hình máy tính trong phòng điều hòa sang việc trở thành một huấn luyện viên Yoga giúp mình củng cố thêm niềm tin rằng sức khỏe và sức học là quan trọng nhất. Chỉ cần luôn khỏe mạnh, minh mẫn và chịu khó học hỏi mỗi ngày, thì bản thân sẽ có một sự tự tin nhất định trước mọi biến cố của cuộc sống hay công việc. Và khi ta luôn vận động và học hỏi, làm mới và làm giỏi bản thân mình lên mỗi ngày, thì khi có biến động gì mình vẫn không sợ gì cả, vì mình vẫn có những giá trị nhất định. Vì Cơ hội = May mắn Sự chuẩn bị. Mình phải luôn trong tư thế sẵn sàng cho mọi thử thách mới.
Giang Nguyễn: Chàng hướng dẫn viên du lịch đi khắp thế giới bán cà phê online
Gọi là khắp thế giới thì cũng hơi quá, nhưng quả thật mình có may mắn được đi khá nhiều nước. Đến bây giờ khi dịch bệnh phải ở nhà, chưa biết tới khi nào các đường bay quốc tế mới nối lại, mình thấy nhớ công việc cũ rất nhiều.
Trước Covid-19, mình làm hướng dẫn viên du lịch, từ khi dịch bùng phát thì mình cơ bản thất nghiệp. Trong thời gian có dịch, mình đã tìm kiếm công việc mới và quyết định làm cà phê từ giữa tháng 7.
Việc thay đổi cũng là tất yếu khi mình cần công việc để có thu nhập chăm lo cho cuộc sống gia đình. Gắn bó với du lịch hơn 10 năm, việc bắt đầu một ngành nghề mới thực sự khó khăn; mình hiểu rằng sẽ mất thời gian để làm quen và nỗ lực rất lớn để có được thành quả ở ngành nghề mới. Còn cà phê, mình đã học và theo đuổi hơn hai năm. Nó là thứ mình yêu thích, có kinh nghiệm và mong muốn làm nó như một công việc chính. Tất nhiên mình cũng có thể quay trở lại làm du lịch khi dịch trôi qua và nền kinh tế phục hồi.
Nhờ Covid-19 mà mình cảm nhận được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch, các phương án dự phòng trong công việc. Rằng, chúng ta sẽ rất dễ tổn thương nếu chỉ dựa vào một công việc, một nguồn thu nhập nên việc xây dựng một khung tài chính rõ ràng là điều cần thiết. Covid-19 cũng giúp mình nhìn nhận tầm quan trọng của những ngành nghề khác nhau trong xã hội, ngành nào bị ảnh hướng lớn nhất, ngành nào ít bị ảnh hưởng khi nền kinh tế - xã hội bất ổn.
Mình nghĩ rằng có một số cách để các bạn trẻ thích nghi với biến động mùa Covid-19 như cắt giảm mọi khoản chi không cần thiết, giữ tiêu chuẩn sống ở mức độ hợp lý theo khả năng, duy trì công việc tạo ra thu nhập ổn định, trường hợp thu nhập bị ảnh hưởng các bạn cần tìm cách để có thêm thu nhập như các công việc bán thời gian online, online hóa các sản phẩm các bạn bán (nếu có), thậm chí dịch vụ chuyển phát cũng là ngành bạn có thể cân nhắc. Công nghệ và sự nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng là những điểm mạnh của người trẻ. Các bạn cũng cần chuẩn bị kế hoạch công việc trong mùa Covid-19 để khi dịch qua đi các bạn có thể triển khai luôn.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực và trách nhiệm là điều thôi thúc mình phải làm việc và nỗ lực hơn mỗi ngày. Một câu nói luôn ám ảnh trong đầu mình đó là “Nếu bạn không làm thì vợ con bạn sẽ đói”. Mặc dù khó khăn nhưng mình luôn hướng tới những điều tích cực, tìm giải pháp cho công việc hiện tại. Ở khía cạnh nào đó mình cảm thấy Covid-19 đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, tái cơ cấu kinh tế - xã hội, mang tới cả nguy hiểm và cơ hội cho mọi người.
***
Trong câu chuyện của cả 4 người trẻ đến từ những ngành nghề và định hướng khác nhau, người ta dễ dàng thấy được, dịch Covid-19 đã thay đổi và tác động rất nhiều tới công việc và quan điểm sống của mọi người lớn như thế nào. Chúng ta nhận ra sức khỏe trở nên vô cùng quan trọng, việc học tập và trau dồi kiến thức là không bao giờ thừa, đam mê và con đường khác biệt là hướng đi giúp chúng ta định vị bản thân và luôn kiến tạo những con đường riêng để không bao giờ rơi vào ngõ cụt. Và quan trọng hơn cả, hãy luôn rộng mở trước những cơ hội, để tinh thần có thể thoải mái và chấp nhận mọi sự thay đổi, vốn khó có thể nắm bắt trong thế giới đầy biến động này.
Có thể họ là những người may mắn với con đường mới khi ngoài kia còn hàng triệu người trẻ đang chật vật với công việc; nhưng may mắn hay thành công chỉ là bề nổi của câu chuyện. Không có con đường nào dễ dàng thời hậu Covid-19, nhất là những người “phạt cỏ” vạt cho mình một ngã rẽ hoàn toàn. Bằng sự lạc quan, kinh nghiệm và kiến thức trau dồi vững vàng, lòng đam mê, sự sẵn sàng đón nhận những thử thách mới, những người trẻ có thể vượt qua đại dịch này thành công và làm thay đổi thế giới công việc, viết lại những giá trị cuộc sống không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.