Theo người bán hoa, ngày 30 Tết mới có nhiều người đổ xô đi mua hoa vì tâm lý cận giao thừa, giá sẽ rẻ hơn. Thế nên vô tình đẩy nhiều người bán hoa Tết vào đường cùng, bị ép giá nên thay vì chở về càng tốn tiền thì phải "cắn răng" bán rẻ bèo, để gỡ chút vốn về quê đón Tết.
- Tết đầu tiên của bé trai có cân nặng kỷ lục 7,1kg
- Hà Nội: Nổ lớn nhà máy luyện thép sáng 27 Tết, 2 công nhân nhập viện nguy kịch
Càng cận Tết, không khí mua bán cuối năm càng thêm tất bật nhưng cũng trong những ngày này, các tiểu thương buôn hoa Tết lại đang rất sốt ruột với "canh bạc" của mình.
Những chuyến xe tải, tàu bè chở đầy ắp hoa cập bến ở các điểm bán hoa Xuân, nhưng số lượng hoa lại tỉ lệ nghịch với người mua. Hàng trăm mai vàng, đào hồng, cúc, vạn thọ,... đều khoe sắc rực rỡ tại các chợ hoa ở Sài Gòn nhưng người đến hỏi thì nhiều, người mua thì ít.
Và sau những lần khách tấp xe vào hỏi giá rồi vội đi mà không mua, bao người bán nhìn theo thở dài trong lo âu vì từ giờ đến 30 Tết cũng đã cận kề rồi.
Bỏ hàng chục triệu, chăm bẵm hoa suốt một năm nhưng bị ép giá ngày 30 Tết
Ngồi bên hàng chục chậu quất đang bày bán ở bến Bình Đông (quận 8, TP. HCM), ông Huỳnh Văn Vẹn (55 tuổi, quê Bến Tre) buồn bã tâm sự: "Cận Tết rồi mà tôi chỉ bán được hơn 20 cây quất, còn hàng trăm cây trên ghe nữa chưa mang xuống. Không biết năm nay như thế nào".
Ông Vẹn đã đầu tư cả hàng chục triệu đồng để mua giống về trồng bán dịp Tết. Trong một năm chăm sóc, tốn rất nhiều thời gian, công sức từ phân bón đến thuê người tưới nước,... chỉ mong có một mùa bán hoa thuận lợi. Ông Vẹn cho biết, săn sóc, bón phân cũng khá trắc trở vì mua trúng phân giả thì lúc đó cây bị hư rễ, chết khô.
Năm nào ông cũng thuê ghe khoảng mười mấy triệu đồng để chở quất Tết lên Bến Bình Đông bán. Ông và con trai lên bán trước, còn vợ lên sau phụ ngày giáp Tết. Cả gia đình ở quê chỉ trông vào vựa hoa Xuân để có tiền ăn Tết.
Đang trò chuyện cùng ông thì có khách đến hỏi mua quất. "Chú ơi, cây này bao nhiêu?” - Cây đó trăm rưỡi con ơi. “Một trăm chú bán cho con?” – Không được con ơi, cây đó trái nhiều vậy mà sao bán một trăm ngàn được con?
Sau khi bị từ chối bán vì trả giá bất thành, vị khách bỏ đi, ông Vẹn tâm sự: "Chiều 30 Tết tôi phải về quê rồi. Lúc đó, biết nhà vườn dù ít dù nhiều cũng không thể bán giá cao nên nhiều người mới ra mua". Vừa nói, ông Vẹn vừa chỉ tay vào một cây quất trĩu quả: "Ví dụ như cây quất này giá 400.000 đồng nhưng giờ trả 350.000 đồng cũng chấp nhận bán và đến giờ chót khách trả 300.000 cũng bán nữa, được bao nhiêu hay bấy nhiêu".
Hơn nữa, các nhà vườn hợp đồng với ghe đến 30 phải về nên không thể để hoa lại được, mà nếu chở về phải bỏ thêm tiền, đành chấp nhận bán lỗ.
"Đợt Tết năm ngoài tôi cũng lỗ, nhiều người cũng như tôi nên phải bán đất để trả nợ", ông Vẹn chia sẻ thêm.
"Mong người dân thay đổi tâm lý chọn mua hoa ngày 30 Tết"
Qua ghi nhận, những ngày giáp Tết hoa đổ về Sài Gòn càng nhiều nhưng theo nhà vườn sức mua kém, đa phần khách đến hỏi để biết giá rồi chờ sát Tết mới mua. Tâm lý đợi đến ngày 30 Tết mua hoa của người dân khiến các nhà vườn khá đau đầu.
Tại điểm bán hoa Tết ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP. HCM), nhiều người bán ngồi co ro ro từ chiều tối đến đêm vì vắng khách. Nhiều tiểu thương cho biết, người dân vẫn rất ung dung, chưa vội vàng mua hoa vì biết càng cận Tết mới mua được giá hời.
"Đa số người dân bây giờ đều đợi đến sáng và trưa 30 Tết họ mới mua vì thời điểm đó là giờ chót, nhà vườn sẽ bán thúng bán tháo nên tâm lý của người dân là không sợ hết hoa", anh Phong (người bán hoa ở dọc công viên Hoàng Văn Thụ) nói.
Còn anh Huỳnh Vi (27 tuổi, bán hoa ở CV Hoàng Văn Thụ) cũng cho biết, anh mang hoa từ Ninh Hoà (Khánh Hoà) lặn lội vào Sài Gòn bán Tết, ngồi cả ngày 26 Tết chỉ có vài khách đến xem hoa. Thực tế, hàng trăm chậu cúc của anh Văn nở hoa đều, bắt mắt nhưng khá đìu hiu.
Anh Vi chia sẻ: "Công viên này chỉ cho bán đến trưa 30 Tết nên có thể sáng hôm ấy nhiều người cũng đổ xô đi mua hoa bữa cuối. Hoa thời điểm 30 Tết thì giá bán sẽ thấp hơn nhiều, lúc đó chắc chắc nhà vườn sẽ lỗ nhưng vẫn chấp nhận vì chỉ muốn gỡ gạc được chút tiền xe về quê thôi".
Đồng cảnh ngộ với nhiều người buôn hoa khác, anh Phan Chu Trinh và anh Giáp Đình Nhu (quê Bến Tre) bán hoa mai, quất, vạn thọ,... tại công viên Hoàng Văn Thụ cũng khá buồn lòng cảnh người dân đợi đến lúc nhà vườn đập bỏ hoa ngày 30 Tết mới đến mua.
"Tôi bán hoa Tết nhiều năm nay rồi, có nhiều khách đến mua hoa ngày 30 Tết nói ép giá nhưng tôi không bán, lúc đó họ nói rằng: "Không bán thì cũng đập bỏ thôi mà!" Nghĩ mà buồn, cũng đành phải bán rẻ để về quê hoặc mang cho người thân ở Sài Gòn này. Tôi cũng hiểu là cứ bán như thế sẽ khiến họ có tâm lý chờ đợi, sang năm lại còn vất vả hơn", anh Trinh chia sẻ.
Một số tiểu thương cũng hiểu rằng, có nhiều gia đình kinh tế không dư giả, người nghèo, công nhân... muốn mua được hoa rẻ, nhưng cũng đừng vì thế mà ép giá người bán. "Nghề này như đánh bạc, may thì bán được lời, ăn Tết lớn, xui thì trắng tay về quê. Nhưng cơ hội mỗi năm chỉ có một nên tiểu thương nào cũng muốn thử vận may. Chỉ mong người mua hiểu lòng người bán, ai cũng muốn có cái Tết no ấm cả...", một người bán hoa chia sẻ.