Gửi con 3 tuổi theo chiến dịch Babylift, 43 năm sau người mẹ Sài Gòn mang nỗi ân hận khôn nguôi khi không thể có tin tức về con. Bà đã dành phần đời còn lại của mình chỉ mong được gặp con gái thêm một lần nữa...
- Đau lòng: Bố đi đón mẹ, bé gái 11 tuổi bị bại liệt bẩm sinh tử vong thương tâm vì cháy nhà
- Một phụ nữ bị bắn nhiều phát đạn ngay giữa chợ
Suốt hơn 43 năm qua, bà Nguyễn Thị Đẹp (SN 1949, quận Thủ Đức, TP.HCM) không mệt mỏi trên hành trình tìm lại đứa con lai Việt - Mỹ của mình.
Trong căn nhà của mình, bà Đẹp lặng người khi nhắc đến đứa con mà bà đang tìm kiếm bấy lâu. Ẩn sau trong đôi mắt của người phụ nữ gần 70 tuổi này là cả nỗi buồn và nỗi đau. "Giờ con đang ở đâu? Làm gì?", bà tự hỏi trong vô vọng.
Bà Đẹp kể, năm 1968, bà làm tạp vụ cho căn cứ quân sự Mỹ ở Long Bình, Đồng Nai. Nhờ khả năng nói tiếng Anh lưu loát, một thời gian sau, bà được chuyển lên làm tổng đài viên.
Trong thời gian làm việc tại đây, bà gặp gỡ Joe (SN 1945), thành viên của đoàn văn nghệ phục vụ trong quân đội của Mỹ. Theo bà Đẹp, Joe là một người sống tình cảm, thường xuyên quan tâm đến bà.
Vì vậy qua nhiều lần tiếp xúc, họ thấy quý mến và yêu nhau. Sau 3 năm tình cảm mặn nồng, Đẹp đón nhận niềm vui khi biết mình đang mang thai đứa con của Joe. Tuy nhiên cũng chính lúc này, Joe phải quay trở về Mỹ vì hết thời hạn phục vụ.
Xa nửa vòng trái đất không biết ngày nào gặp lại, bà Đẹp luôn mang nỗi nhớ về người đàn ông ngoại quốc này. Thế nhưng sau hơn một năm liên lạc, họ bặt vô âm tín về nhau. Đến 5/1/1972, bà sinh con gái và đặt tên là Nguyễn Thị Phương Mai.
Chiến tranh kết thúc, Mỹ thực hiện chiến dịch Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam sang Mỹ và một số nước châu Âu). Những người bạn làm chung hồi đó nói với bà Đẹp rằng, nếu bà thương con thì hãy cho con đi, sau này mẹ con có thể tìm nhau, đoàn tụ. Bà cũng nghĩ rằng, quyết định này khiến bà không nhìn thấy con nhưng con sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Bởi vậy bà Đẹp làm thủ tục cho bé sang Mỹ.
Trước khi đi mấy ngày, các bé được tập trung tại một trại trẻ. Trong lần cuối cùng, bà đến thăm con. Hôm đó, bà dẫn con đi chơi. Khi đưa bé trở về, con của bà hỏi: “Sao mẹ dẫn con vào đây nữa làm gì?”. Khi đó, lòng người mẹ như quặn thắt. Bà Đẹp cắn chặt răng để không khóc trước mặt con.
Khi gửi con xong, bà để lại giấy khai sinh và một tấm ảnh. Bà mong sau này kỷ vật đó sẽ là sợi dây kết nối để hai mẹ con tìm lại được nhau.
Sau đó, bà nói dối đi vệ sinh, rồi lẳng lặng ra về để con không biết. Thế nhưng từ xa, bà nghe thấy con hét lớn trong tiếng khóc nức nở: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con”.
Bà Đẹp cho biết, tiếng gọi của con như xé nát trái tim bà. Không cầm được nước mắt, bà khóc ròng trên suốt quãng đường dài từ chỗ giao con cho đến khi về nhà.
Sau khi dò hỏi thông tin qua một số người bạn, bà biết được con mình đã lên chuyến bay cuối cùng của chiến dịch Babylift vào ngày 26/4/1975. Nhưng không một ai biết chuyến bay chở bé Mai ngày đó đến nước nào. Những đứa trẻ trên chuyến bay đó đã được đưa đến đâu.
Khi đó, bé Mai mới 3 tuổi. Thế nhưng, những hình ảnh về con khắc sâu trong trí nhớ của bà. Hồi đó, con gái của bà có đôi mắt màu nâu, làn da trắng, mái tóc màu sáng.
Biết bà gửi con đi, bố bà Đẹp là cụ Nguyễn Văn Đệ (SN 1916) trách cứ bà nhiều. Ông nói, "làm mẹ, có con phải sống chết với nó", khiến bà càng thêm day dứt.
"Từ ngày xa con, tối nào tôi cũng khóc. Tôi ân hận và không biết con mình đã được đưa về đâu", bà Đẹp chia sẻ.
Câu hỏi "Giờ con đang ở đâu? Con có ổn không?" cứ canh cánh trong lòng người phụ nữ này suốt hơn 43 năm qua. Hễ nghe thấy có bất kỳ thông tin gì về việc tìm con, bà đều lặn lội tìm đến, mong có một tia hi vọng dù nhỏ nhoi về đứa con gái của mình. Thế nhưng, tất cả đều rơi vào tuyệt vọng.
Tay run run cầm tấm ảnh con, bà Đẹp chia sẻ trong nước mắt giàn giụa: “Uớc muốn duy nhất của tôi là muốn biết con mình ra sao. Giờ tôi già rồi nên không biết mình sống được bao lâu. Vì vậy, tôi chỉ mong được gặp con một lần".
Babylift (Không vận Trẻ em) là chiến dịch di tản hàng nghìn trẻ em từ Sài Gòn tới Mỹ và một số nước châu Âu, thực hiện trong năm 1975 khoảng thời gian từ ngày 2 đến 26/4. Theo thống kê, khoảng 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em đã được di tản và nhận nuôi bởi nhiều gia đình trên khắp thế giới.