Ngày mai (21/9), TAND TP.HCM dự kiến mở phiên xét xử đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) cùng các đồng phạm.
- Bà Phương Hằng chuẩn bị hầu tòa: Thời gian tại ngoại có được tính vào thời gian thi hành án?
- Lời khai của chủ tài khoản về việc xúc phạm bà Phương Hằng xuyên suốt 8 buổi livestream
Theo thông tin từ Dân Việt, cáo trạng của Viện KSND TP.HCM nhận định, đây là vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Trong đó, bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thực hiện nhiều buổi livestream (phát sóng trực tiếp) trên không gian mạng; phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật, hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân.
Bà Hằng đã đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cả nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các cá nhân, gồm ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng; vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Thị Việt Hà.
Còn ông Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream. Ông Quân đã cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Cáo trạng còn nêu rõ trong buổi livestream ngày 24/12/2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của nghệ sĩ Hoài Linh.
Các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khẩu để bà Hằng livestream. Đồng thời, đăng tải các bài viết lên mạng xã hội theo chỉ đạo của bà Hằng.
Viện KSND TP.HCM nhận định hành vi của các bị can Nhi, Hà, Tân và Quân là đồng phạm, với vai trò giúp sức cho bà Hằng.
Hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm vi phạm các điểm a, b khoản 3 Điều 16, Điểm d Khoản 1 Điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018 và Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cả nhãn và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, theo Viện Kiểm sát, phải xử lý nghiêm để cải tạo, giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, hành vi này chỉ xử lý về 1 tội danh, các bị can đã bị khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự, nên không có căn cứ để xem xét xử lý thêm về các tội "Làm nhục người khác" và "Vu khống" quy định tại Điều 155 và Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cáo trạng nhận định các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân được áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Ngoài ra, bị can Nguyễn Phương Hằng được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen về những hoạt động thiện nguyện. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên (quy định tại các điểm a, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Liên quan đến vụ việc trên, dẫn tin từ VTC News, theo dự kiến, ngày 21 - 22/9 TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm thực hiện.
Ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TP.HCM nhận định, phiên xử vụ án có điểm "đặc biệt" vì bị cáo Phương Hằng và nhiều người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là người nổi tiếng hoặc nghệ sĩ nên nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Vụ án được đưa ra xét xử công khai, tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan, như trụ sở TAND TP.HCM đang được tu sửa… nên toà án không thể bố trí nhiều chỗ ngồi cho người dân đến dự.
Chánh Văn phòng TAND TP.HCM cũng cho biết thêm, người dân quan tâm đến phiên tòa có thể theo dõi qua phương tiện thông tin đại chúng, tránh tụ tập trước cổng trụ sở tòa án có thể ảnh hưởng đến việc lưu thông.
Báo chí sẽ được bố trí khu vực tác nghiệp. Phóng viên tham dự phiên tòa phải mang theo giấy giới thiệu và thẻ nhà báo, đăng ký tác nghiệp tại TAND TP.HCM từ chiều 19/9, mỗi cơ quan báo chí được đăng ký tối đa 2 người.
Đối với yêu cầu xem xét lại tư cách tố tụng của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, ông Duy cũng cho biết hiện những đơn kiến nghị này đã được Văn phòng TAND TP.HCM chuyển đến HĐXX. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những đương sự này sẽ được HĐXX xem xét tại phiên tòa.
Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là ông Bùi Đức Nam, Thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Tuấn Anh. Đại diện Viện KSND TP.HCM là ông Đinh Quốc Dũng, Nguyễn Quang Duyệt, Võ Thành Đủ.
Bà Nguyễn Phương Hằng có 1 luật sư bào chữa là ông Hồ Nguyên Lễ. Ông Đặng Anh Quân có 3 luật sư tham gia bào chữa là ông Nguyễn Ngọc Lâm, ông Nguyễn Tri Thắng và bà Lê Thị Quỳnh Anh.
Ông Huỳnh Công Tân, bà Nguyễn Thị Mai Nhi và bà Lê Thị Thu Hà không mời luật sư bào chữa.
Tòa án cũng triệu tập các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là cựu cầu thủ Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà, ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam - chồng bà Hằng), ông Nguyễn Đình Kim đến tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.