Đánh vào tâm lý khó khăn mùa dịch, nhiều kẻ gian đã nghĩ ra những hình thức lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt tài sản ngân hàng của nhiều người, thậm chí sử dụng thông tin cá nhân của người bị hại để đăng ký vay tiêu dùng với tiền lãi cao ngất ngưởng.
Công nghệ ngày càng phát triển khiến cho cuộc sống thuận tiện hơn rất nhiều, mọi thứ đều được giải quyết qua một vài cái click chuột hoặc một vài thao tác trên màn hình điện thoại. Nhưng công nghệ phát triển cũng có mặt trái khi sự xuất hiện của tội phạm công nghệ ngày càng nhiều, hình thức ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng chính sự thiếu hiểu biết của những người mới tiếp cận công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, qua mặt cơ quan chức năng... Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 khiến cuộc sống có nhiều khó khăn, tội phạm công nghệ lại ngày càng bày ra nhiều chiêu trò để đánh lừa người dùng.
Mới đây, nhiều ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo người dùng 3 chiêu trò phổ biến nhất của tội phạm công nghệ dễ dàng khiến chúng ta sập bẫy, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang căng thẳng tại Việt Nam.
1. Giả mạo email của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Với chiêu thức lừa đảo này kẻ gian sẽ gửi email giả mạo với nội dung "Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn. Khi người dùng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân, hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp và/hoặc đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Kẻ gian sẽ gửi email giả mạo với nội dung "Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19"
2. Giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế
Hình thức lừa đảo này đang vô cùng phổ biến hiện này. Kẻ gian sẽ gửi tin nhắn giả mạo với nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link dẫn đến website có giao diện giống website của Bộ Y tế. Tại đây, ở thao tác bấm thủ tục "đăng ký xin trợ cấp", người dùng sẽ cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)... Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
Giả mạo website và tin nhắn của của Bộ Y tế
3. Lừa đảo Khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực chất là làm hợp đồng tín dụng/vay tiền của các Công ty tài chính
Đối tượng mà kẻ gian thường nhắm tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch, ở vùng nông thôn, thông tin chưa được sát sao...Trong các tình huống này, kẻ gian thuyết phục khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác, thậm chí đề nghị người bị hại gửi video ghi hình lại gương mặt để hỗ trợ nhận tiền trợ cấp. Khi có được những dữ liệu này, đối tượng sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính hoặc các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt.
Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng chỉ ra những điều người dùng tuyệt đối cần tuân thủ để bảo vệ quyền lợi và tài sản của chính bản thân mình.
- Nâng cao cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân; TUYỆT ĐỐI KHÔNG bấm vào đường link, tệp đính kèm đồng thời XÓA NGAY các tin nhắn, email lạ này khỏi điện thoại, máy tính.
- Tuyệt đối KHÔNG cung cấp giấy tờ tùy thân, ảnh chụp, video clip quay cận cảnh khuôn mặt, tên đăng nhập, mật khẩu , mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng...; đồng thời KHÔNG chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội.
Địa chỉ website của các Cơ quan Nhà nước thường có đuôi .gov.vn. Hiện tại, Quý Khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 có thể làm thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-ncovid-danh-sach-dich-vu-cong.html để được xem xét hỗ trợ.