Nảy lửa phiên tòa nhà Trung Nguyên: 4 con nhỏ là nạn nhân bị tổn thương!

Xã hội 22/02/2019 14:57

Trong cuộc tranh cãi tại tòa giữa ông Vũ và bà Thảo, người ta thấy thứ mà cả hai đang chiến đấu là ai sẽ điều hành Trung Nguyên chứ không phải vì cuộc hôn nhân hay những đứa con.

“Tiền để làm gì?” – câu nói này đã trở thành trào lưu trên mạng xã hội trong suốt những ngày qua, khi phiên tòa xét xử vụ ly hôn đình đám giữa vợ chồng Tập đoàn cà phê Trung Nguyên – ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang diễn ra. Câu nói trên được ông Vũ chất vấn người vợ tào khang tại phiên tòa.

Dư luận xôn xao cũng là điều dễ hiểu! Vì hiếm có, thậm chí là chưa khi nào lại có phiên tòa phân chia tài sản lên đến cả chục nghìn tỷ đồng mà theo ông Vũ, đó chỉ là bề nổi. Dư luận quan tâm đến việc tòa sẽ phán xét ông Vũ được hưởng 70% như yêu cầu của ông hay 50% như yêu cầu của bà Thảo.

Dư luận mải miết theo dõi diễn tiến phiên tòa, bị cuốn vào những con số nghìn tỷ mà quên mất có 4 đứa trẻ đang lẩn trốn phiên tòa. Chúng là Bin anh, Bin em, Tina và Tini, 4 đứa con thơ dại của ông Vũ và bà Thảo.

Nảy lửa phiên tòa nhà Trung Nguyên: 4 con nhỏ là nạn nhân bị tổn thương! - Ảnh 1

Trong bức thư gửi ông Vũ, 4 đứa con viết: "Ba mẹ ly hôn là sự việc bất hạnh và đau buồn nhất trong đời chúng con."

Trong bức thư có chữ ký của cả 4 gửi bà nội để chuyển đến bố tại phiên tòa viết: “Hôm nay chúng con không muốn và không thể tham gia phiên tòa xử ly hôn của ba mẹ nên chúng con viết thư này kính gửi đến ba và bà nội (nhờ Hội đồng xét xử gửi đến ba). Ba mẹ ly hôn là sự việc bất hạnh và đau buồn nhất trong đời chúng con.

Tuy nhiên, chúng con lúc nào cũng yêu thương và kính trọng ba mẹ, chúng con vẫn phải tuân lời ba mẹ! Chúng con luôn mong ước gia đình mình lại được có ba và vui như ngày xưa.”

Phiên tòa của Trung Nguyên làm tôi nhớ đến câu chuyện hết sức cảm động: “Cà rốt và củ hành”. Truyện nói về một gia đình hậu ly dị. Ông bố trong một phút yếu lòng đã ngả mình vào người phụ nữ khác và bị vợ phát hiện. Chị kinh tởm và khinh thường người đầu ấp tay gối với mình. Anh cũng là mối tình đầu của chị và là bố của 2 đứa con. Đứa lớn mới học lớp Lá, còn đứa nhỏ lớp Chồi.

Dù rất yêu anh và thương con, nhưng không thể tha thứ cho việc chồng ngoại tình, chị cương quyết ly hôn. Tòa chia đôi toàn bộ tài sản, căn nhà anh ở tầng 2 với Củ hành (con trai 4 tuổi), chị ở với Cà rốt (con gái 5 tuổi) tại tầng 1. Cầu thang trong nhà được bít lại, anh lắp một cầu thang xoáy ốc bên hông nhà. Kể từ đó, 2 chị em Cà rốt và Củ hành “cùng nhà nhưng xa ngõ”. Đương nhiên, chúng phản ứng dữ dội và khóc hết nước mắt khi bị chia cách. Trong mắt trẻ con, việc bố mẹ ly dị cũng giống như trò chơi, lúc thấy bố bắt em lên tầng 2 sống, Cà rốt gắt lên: “Bố mẹ chơi trò ly dị thì ly dị, con với Củ hành không ly dị đâu!”

Câu chuyện xoay quanh sự chia tách của 2 đứa trẻ khiến chúng, 2 chị em phải dấm dúi gặp nhau, con phải trộm gặp bố, mẹ phải trộm pha sữa cho con vì bố quên. Chị nhớ anh và anh cũng vậy, nhưng vì những tự ái bản thân, vì giữ cái tôi quá lớn nên chị cương quyết, và tàn nhẫn với anh như 1 sự trừng phạt.

Câu chuyện ám ảnh và xúc động bởi sự ngây thơ của 2 đứa trẻ, của những câu nói hồn nhiên của Cà rốt và Củ hành “Con ghét ly dị. Con nhớ mẹ và Cà Rốt. Con muốn uống sữa mẹ pha. Bố ơi, đừng chơi trò ly dị nữa nhé”. Trong mắt chúng, tất cả chỉ như 1 trò chơi.

Kết thúc câu chuyện, cả anh và chị đều thấm thía được nỗi đau và quan trọng hơn là hiểu ra “khi hạnh phúc đã mất, tiền bạc, tài sản cũng chỉ là vô nghĩa”. Xa anh, xa con chị không chỉ hành hạ anh mà còn hành hạ chính mình. Câu chuyện có một cái kết có hậu khi cầu thang xoáy ốc bị đập bỏ, Củ hành và Cà rốt được sống chung với nhau, đủ đầy tình yêu thương của bố mẹ.

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Nhất là đem câu chuyện văn chương ra để so sánh với sự việc hiển nhiên đang diễn ra ngoài đời thực. Tuy nhiên, có một điểm chung đó là cuộc ly hôn nào thì những đứa trẻ cũng chịu sự bất hạnh.

Đau lòng hơn, trong cuộc tranh cãi người ta thấy thứ mà cả ông Vũ và bà Thảo đang chiến đấu vốn là Trung Nguyên, là ai sẽ điều hành Trung Nguyên chứ không phải vì cuộc hôn nhân hay những đứa con.

Có lẽ, cuộc hôn nhân của ông Vũ bà Thảo sẽ không có kết cục như trong câu chuyện trên. 4 đứa con ông Vũ sẽ chẳng bao giờ được nói câu như Củ hành trong kết chuyện: “Em đã bảo mà, chơi mãi trò ly dị, chán lắm.”

Bởi lẽ, thứ mà họ đang giành xé, đang tranh đấu không phải 4 đứa con ngây thơ, vốn được hình thành và sinh ra trong tình yêu của 2 người.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhắn gửi tới chồng: "Một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới"

Khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu chồng trợ cấp nuôi con bằng 5% cổ phần của ông Vũ/người con, phía ông Vũ đáp lại sẽ dành toàn bộ cho các cháu khi trưởng thành chứ không chỉ 5% hay 7%. Đáp lại, bà Thảo cho rằng "một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới".

TIN MỚI NHẤT