Tại toà sơ thẩm, trước việc các bị cáo khai rằng có thoả thuận với các tiểu thương về việc bốc dỡ hàng hoá, bị hại Nghiêm Thuý Nga (SN 1981) phản bác, yêu cầu lý giải sao không bốc dỡ hàng hoá nhưng vẫn thu tiền.
- Thương tâm: Cô gái trẻ bị người yêu đuổi theo sát hại trên cầu lúc rạng sáng ở Sài Gòn
- Mua ôtô vợ tập lái bán lỗ trăm triệu, đốt tiền sắm tiếp con xe Tàu
Nạn nhân từng tự tử vì không chịu được áp lực?
Là người đầu tiên được Hội đồng xét xử thẩm vấn trong phiên toà xét xử Nguyễn Kim Hưng (Hưng “kính”, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, tổ trưởng tổ bốc xếp số 2) và đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản, Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, SN 1962, thành viên tổ bốc xếp số 2), bị cáo này thừa nhận hành vi bị nêu trong cáo trạng là đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, trong phần trả lời của mình, Long “cao” có sự mâu thuẫn với lời khai trước đó với cơ quan điều tra.
Long “cao” khai đã có thoả thuận với các tiểu thương về việc bốc dỡ hàng hoá. Tuy nhiên, lời khai này bị chị Nga phản biện ngay lập tức. Theo bị hại này, gia đình chị kinh doanh từ năm 2010, các bị cáo không ra yêu cầu làm hợp đồng bốc xếp, mà chỉ năm 2018.
“Các bị cáo lấy tiền đâu nộp cho ban quản lý như các bị cáo khai ở khoảng thời gian trước đó” – chị Nga gay gắt.
Nữ tiểu thương kinh doanh hoa quả ở chợ Long Biên này cũng trình bày, chị đã có những video ghi lại bằng chứng rõ ràng về việc chị đã nói rõ không thuê các nhân viên tổ bốc xếp bốc hàng.
“Thu tiền bốc xếp, nhưng các anh có bốc xếp đâu. Chúng tôi chưa hề thuê của nhân viên, tất cả các hộ ở chợ đều như thế. Không bốc dỡ hàng hoá sao các anh thu tiền của tôi?” – vợ chồng chị Nga cùng trình bày tại toà.
Khi được toà hỏi về lý do tại sao các bị cáo không bốc dỡ hàng hoá mà vẫn phải đưa tiền, chị Nghiêm Thuý Nga nói do bị uy hiếp.
Theo đó, có một đối tượng nghiện hút nhảy lên xe, uy hiếp tinh thần vợ chồng chị Nga. Khi phóng sự phanh phui vụ việc được thông tin rộng rãi tới công luận, đối tượng nghiện trên đã không còn xuất hiện ở chợ Long Biên.
“Trong 5 bị cáo này, có bị cáo Hải (Lê Thanh Hải, tức Hải “gió”, SN 1963, nhân viên tổ bốc xếp số 2 - PV) uy hiếp tinh thần tới mức, khi vợ chồng tôi đứng ở chợ kinh doanh, bị cáo nhổ toẹt vào mặt tôi, xỉ vả, chửi rủa tôi.
Hàng về nhiều, tôi phải quay vào trong để khóc, có 2 lần tự tử vì không chịu được áp lực các bị cáo gây ra. Có lần tôi đã bung cửa ô tô rồi nhảy xuống đường cao tốc” – chị Nga trình bày.
Cũng tại toà, anh Hoàng Anh Hà (chồng chị Nga) cho biết, thời gian để hoa quả tươi rất ngắn, khi xe hàng về phải có chỗ đỗ để bốc dỡ, đưa vào quầy để bán.
“Các bị cáo đã nắm được và gây khó khăn, bắt phải thực hiện theo yêu cầu. Từ thời điểm giữa năm 2016 đến trước khi cơ quan điều tra vào cuộc, chúng tôi thiệt hại rất nhiều. Các mối hàng ít, quá trình bán bị ế hàng” – anh Hà nói trước toà.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc nhân viên không bốc dỡ vẫn thu tiền, ai chỉ đạo làm việc đó, Long “cao” nhiều lần trả lời quan co, nhưng cuối cùng vẫn nói do tổ trưởng bảo, tổ trưởng là bị cáo Nguyễn Kim Hưng.
Nhân viên tổ bốc xếp kêu oan?
Lê Thanh Hải là người tiếp theo được HĐXX hỏi. Bị cáo này nói bị oan, cáo trạng truy tố không đúng người, đúng tội.
Về phần trả lời về các video quay lại cảnh nghi vấn Hải “gió” hành hung chồng chị Nga, Hải “gió” giải thích đó là muốn nói chuyện.
“Tôi kéo anh Hà vào tôi nói chuyện, anh Hà lao đầu xuống chui ra nên tôi không nói chuyện được. Tôi kéo vào thôi” – Hải “gió” nói.
Tuy nhiên, trước việc này, chồng nạn nhân Nga phản đối. Ngoài những hành vi gây sức ép trên, anh Hà cho biết, nhóm của Hưng "kính" còn đánh xe ô tô để trước cửa ki ốt của vợ chồng anh, thậm chí là liên tục xúc phạm cá nhân.
Về phía Hải “gió”, khi được hỏi về bảng kê mà Hưng “kính” đưa cho cùng một số thông tin liên quan, Hải “gió” nói không nắm được.
Với Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, nhân viên tổ bốc xếp số 2), Vương thừa nhận có tội. Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”) cũng thừa nhận tương tự tại toà.