Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng rao mua, bán, cầm cố sổ BHXH. Trước vấn đề này, BHXH Việt Nam đã đưa ra cảnh báo đến NLĐ.
- Kết thúc kỳ nghỉ lễ, miền Bắc đón đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, có nơi trên 39 độ C
- Khi đi vay vốn trong trường hợp nhân viên 'ràng buộc' mua bảo hiểm mới giải ngân nên xử lý thế nào?
Mua bán, cầm cố sổ BHXH tràn lan trên MXH
Sau khi BHXH Việt Nam đưa ra cảnh báo về việc các đối tượng lợi dụng hỗ trợ cấp lại mật khẩu VssID để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mới đây cơ quan này tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Theo đó, lợi dụng tình hình nhiều NLĐ bị mất việc làm sau dịch Covid-19, đang cần tiền để trang trải cuộc sống, các đối tượng thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội (MXH) như Facebook… đã quảng cáo về mua bán, cầm cố sổ BHXH nhằm trục lợi bất chính.
Trước tình trạng trên BHXH Việt Nam đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo tới NLĐ nêu cao cảnh giác, tránh tiếp tay cho các hành vi nêu trên bởi hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Đồng thời gửi Công văn đến Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên.
Rủi ro khi mua bán, cầm sổ bảo hiểm xã hội
Mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội có thể giải quyết cho người lao động khó khăn tài chính trước mắt tuy nhiên lại khiến người lao động mất đi rất nhiều lợi ích như:
+ Người lao động được hưởng số tiền ít hơn so với số tiền thực hưởng BHXH 1 lần của mình.
+ Người lao động bị trừ hết thời gian tham gia đóng BHXH khi đã làm hồ sơ hưởng BHXH 1 lần, do đó mất đi cơ hội được hưởng lương hưu khi về già.
+ Người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí khi về hưu.
+ Mất cơ hội hưởng chế độ tử tuất.
+ Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH theo quy định Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 và Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, vì vậy, cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp này.
Không chỉ người bán, cầm cố sổ BHXH mất đi nhiều lợi ích mà đối với người mua sổ BHXH cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro:
Nếu bị người bán làm lại sổ BHXH và rút BHXH 1 lần trước, khi đó người mua sẽ không được rút BHXH một lần nữa. Hoặc trong trường hợp người bán qua đời trước thời điểm được rút BHXH 01 lần cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ tử tuất cho thân nhân của người bán sổ BHXH, chứ không chi trả BHXH 01 lần theo giấy tờ ủy quyền mà trước đó người mua và người bán đã ký.
Ngoài ra nhiều người không biết việc thực hiện mua bán hoặc cầm cố sổ BHXH ngoài việc bị phạt hành chính, trong trường hợp nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt đối với hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng NLĐ và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, đặc biệt khi đủ điều kiện, NLĐ sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ BHYT để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già. Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.
Theo quy định tại Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (VD: đất đai, nhà cửa, xe cộ, cổ phiếu, trái phiếu, giấy ghi nợ…). Tuy nhiên sổ BHXH không phải là một loại tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Chính vì vậy, hành vi cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trên thực tế, việc mua bán, cầm cố sổ BHXH được thực hiện dưới hình thức lập hợp đồng ủy quyền rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Người mua được ủy quyền sẽ cầm theo các giấy tờ ủy quyền và sổ BHXH làm các thủ tục rút BHXH một lần để hưởng khoản tiền chênh.
Tuy nhiên cơ quan BHXH rất khó để xác định được đâu là ủy quyền rút BHXH một lần thật và đâu là trường hợp mua bán sổ BHXH, do đó hành vi mua bán sổ BHXH rất khó để phát giác. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều đối tượng vẫn thực hiện hành vi mua bán sổ BHXH để trục lợi bất chính.
Người trục lợi từ hành vi cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, mua bán sổ BHXH nếu bị phát hiện tùy mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, nặng hơn có thể bị xử lý hình sự.
Tại Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.”
Như vậy, người bán và cả người mua sổ BHXH, thực hiện cầm cố sổ BHXH sẽ có thể bị phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Trong trường hợp người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội có thể bị phạt từ 10 -20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các cá nhân mở dịch vụ cầm cố, mua bán sổ BHXH để trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 214, Bộ luật hình sự về tội gian lận BHXH. Mức phạt nặng nhất có thể lên tới 05-10 năm nếu chiếm đoạt từ 500 triệu động hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.
Nếu gây thiệt hại từ 20 - 100 triệu đồng có thể nhận mức phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm hoặc cải tạo không giam giữ 2 năm.
Người lao động tuyệt đối không cầm cố sổ bảo hiểm xã hội hay có các hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội. Các hành vi này không những làm mất đi lợi ích về lâu dài mà còn gây ra các hành vi trái pháp luật nhằm mục đích trục lợi từ bảo hiểm xã hội.