Một sản phụ ở Bình Phước phải cắt cụt tứ chi sau 1 tháng sinh con từ bệnh cảnh ban đầu là áp xe tuyến vú. Tuy nhiên theo bác sĩ sản khoa, mọi chuyện có thể phức tạp hơn thế.
- Nỗi xót xa của bà mẹ có con trai bị bỏng cấp độ 5: Vay tiền để chữa trị cho con nhưng vì nghèo nên không ai cho
- Xót xa cảnh người vô gia cư trùm chăn ngủ vỉa hè trong cái lạnh thấu xương giữa đêm đông Hà Nội
Hơn một tháng qua, chị Dương Thị Thắm (26 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) phải nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM. Từ một phụ nữ lành lặn, mới hạnh phúc đón con trai đầu lòng, giờ đây sản phụ chỉ còn biết gắng gượng sống chờ ngày về với con, khi tứ chi đã bị cắt cụt.
Mẹ trẻ bị cắt cụt tứ chi sau khi sinh con đầu lòng
Anh Trần Văn Tài (26 tuổi, quê Bình Dương) nhìn vợ trên giường bệnh bằng ánh mắt mệt nhoài.
Anh kể, lấy nhau được ít lâu thì chị Thắm mang thai. Thấy vợ yếu, anh nghỉ nghề quảng cáo, mở một tiệm dán keo điện thoại để có thời gian chăm sóc chị Thắm. Quá trình mang thai diễn ra bình thường, chị Thắm vẫn ổn cho đến ngày lâm bồn.
Giữa tháng 11/2018, người vợ sinh đứa con trai đầu lòng khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của cả gia đình. Nhưng nó không kéo dài được bao lâu.
"Khi con trai em được 15 ngày tuổi thì vợ bị tắc tuyến sữa. Em đưa cô ấy lên BV Quốc tế ở Bình Dương điều trị nhưng chỉ nằm 7 tiếng đồng hồ thì nơi đây đã chuyển sang BV Chợ Rẫy vì bác sĩ nói tình trạng nặng nề lắm, vợ em bị áp xe ngực dẫn đến sốc nhiễm trùng huyết rồi" - anh Tài chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Minh Triều, khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Chợ Rẫy thông tin, bệnh nhân Dương Thị Thắm nhập viện ngày 3/12/2018 trong tình trạng lơ mơ, đang sốc, tình hình nhiễm trùng rất nặng, bị áp xe vú.
Nhói lòng cảnh chồng ở Bình Phước ký giấy cắt cụt tứ chi vợ bị áp xe ngực nặng, nhiễm trùng huyết
Bệnh nhân được thở máy, lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực. Ngày thứ 11 của quá trình điều trị thì tay, chân bệnh nhân có dấu hiệu bầm tím, hoại tử dần dần.
Đến ngày 15 điều trị khi tình trạng đã quá nặng, các bác sĩ buộc lòng phải cắt cụt tứ chi, loại bỏ phần hoại tử, dùng thuốc khống chế tình trạng nhiễm trùng.
Hiện tại, bệnh nhân đã được khâu lại vùng da đã cắt, các mỏm cụt đã khô, chỉ còn vết thương đùi bên phải hơi rỉ dịch nhưng có thể kiểm soát được.
"Bệnh nhân này mới sinh, tuyến sữa tắc, ứ lại trong đó, không thông. Sữa là môi trường ngọt, dễ nhiễm trùng, dễ bị vi khuẩn tấn công vào vú và gây biến chứng nặng" - bác sĩ nói.
Nhớ lại thời điểm nghe bác sĩ thông báo vợ sẽ phải đoạn cả hai tay, hai chân để giữ mạng sống, anh Tài vẫn còn bần thần.
"Tôi nghe bác sĩ nói xong mà sốc không thể diễn tả. Không thể tin vào sự thật, sợ vợ không thể vượt qua. Nhưng nào ngờ khi tỉnh táo, cô ấy kêu tôi vào bảo anh đi ký giấy cho em cắt tứ chi đi, hết cách rồi. Nếu không thì vợ không nhìn thấy mặt con đâu.
Cô ấy nói bằng giọng bình tĩnh lạ lùng" - người chồng tâm sự.
Theo anh Tài, đến nay dù cơ thể đã không còn toàn vẹn, tinh thần vợ anh đã gần như rất ổn định. Được chồng tự tay chải tóc cho, lâu lâu chị Thắm lại có ý nói những câu bông đùa như thể để động viên cho người đầu gối tay ấp với mình.
Thế nhưng, con đường trở về nhà của chị Thắm chưa thể bằng phẳng. Theo thông tin mà anh Tài cung cấp, tổng viện phí đến hiện giờ của vợ anh đã lên đến hơn 400 triệu đồng và dĩ nhiên đã vượt ngoài khả năng chi trả của người chồng.
Cũng như vợ, anh Tài đã nhớ con vô cùng. Anh nói mỗi lần nhìn vào điện thoại thấy cảnh mẹ cho con trai bú, lòng anh lại cồn cào.
"Con em còn chưa khai sinh, mới chỉ kêu là cu Ken ở nhà thôi. Em định đặt cho nó cái tên Trần Xuân Tiến, tự nhiên thấy thích vậy thôi chứ không có lý do gì" - anh Tài tâm sự.
Áp xe ngực có phải nguyên nhân chính khiến sản phụ cụt tứ chi?
Trao đổi xung quanh trường hợp của chị Dương Thị Thắm, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, áp xe ngực ở phụ nữ mới sinh xuất phát từ việc tắc tuyến sữa.
Tình trạng này phổ biến vì khi cho bú, nhiều bà mẹ làm không đúng cách để bảo vệ nguồn sữa.
"Nguyên tắc khi cho bú là nếu không hết sữa thì phải vắt hết sữa ra. Thường tâm lý các bà mẹ, nhất là các cụ thường tiếc, cứ nghĩ nếu sữa còn là để dành cho bú cữ sau. Điều này rất sai lầm vì muốn tiết nhiều sữa thì bầu sữa phải trống, kích thích phản xạ tạo tiết sữa mới.
Nếu sữa ứ lại trong bầu vú sẽ lắng cặn, làm tắc tuyến sữa, dẫn đến áp xe vú. Chuyện này xảy ra rất nhiều nhưng mọi người không biết" - BS Kiều Dung phân tích.
Theo bác sĩ Dung, 6 tháng đầu em bé còn nhỏ chưa bú nhiều. Nếu trẻ không bú hết, bà mẹ có thể vắt ra và để sữa đó trữ trong ngăn đông tủ lạnh. Sữa trữ đúng cách có thể để dùng trong 6 tháng nên không cần tiếc. Nếu không có chỗ trữ thì đem cho các bé khác hoặc phải bỏ.
Dù số lượng các sản phụ bị áp xe ngực là khá nhiều nhưng bác sĩ Dung cho rằng tình trạng này chỉ dẫn đến hậu quả là làm bà mẹ đau, không thông được sữa, mất nguồn sữa cho con bú chứ không nguy hiểm đến mức chết người hay cắt cụt tứ chi.
"Bệnh nhân trên có thể có những bệnh lý kèm theo như suy van tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, tăng đông. Nhiều sản phụ sau sinh không vận động mà cứ nằm một chỗ gây nên huyết khối tĩnh mạch cao, nếu đi kèm với nhiễm trùng sẽ dễ dẫn đến tắc mạch tứ chi và hoại tử" - bác sĩ phân tích.
Do đó, các bác sĩ khuyên chị em phụ nữ nếu muốn hạn chế nguy cơ gây suy van tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch phải bảo vệ đôi chân, mang vớ chống giãn tĩnh mạch.
Nếu có triệu chứng đau nhức chân phải đi siêu âm ngay.
Ngoài ra, phải tránh nguy cơ nhiễm trùng do những nguyên nhân như vệ sinh vùng kín không tốt, từ vết may tầng sinh môn, từ tuyến vú.
Sản phụ phải tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, năng vận động đi lại, không nên nằm than vì có thể gây bỏng da, nhiễm trùng, ngạt khí CO2...
Hiện tại, dù những nguy hiểm đã qua nhưng không ít khó khăn trước mắt đang chờ cả gia đình anh Tài, chị Thắm. Khoản viện phí hơn 400 triệu đồng đè nặng lên đôi vai là điều đầu tiên mà anh Tài lo lắng.
Độc giả muốn giúp đỡ hoàn cảnh gia đình sản phụ Dương Thị Thắm, xin liên hệ trực tiếp gia đình bệnh nhân tại khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Chợ Rẫy hoặc qua anh Tài, chồng bệnh nhân qua số điện thoại: 0937629491.
Xin chân thành cảm ơn!