Nếu nạn nhân bị đánh ghen làm đơn trình báo gửi cơ quan công an, đồng thời tiến hành giám định thương tật và tỷ lệ thương tích đủ để khởi tố, mẹ chồng có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích, mức án cao nhất là 5 năm tù.
- Phát hiện nữ sinh nhắn tin với chồng mình, vợ kéo người đánh ghen lột đồ dã man
- Trà Vinh: Bắt gặp vợ ngủ chung giường với cha, chồng nổi cơn ghen dùng xăng thiêu sống
Liên quan đến vụ việc mẹ chồng đánh ghen hộ con dâu xảy ra tại vào tối 13/3 tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên (Hà Nam), Đại tá Phạm Kiên Cường, Trưởng Công an huyện Duy Tiên xác nhận sự việc và tiến hành triệu tập các nhân vật liên quan. Tuy nhiên nạn nhân bị đánh ghen đã bỏ đi nơi khác.
Nhiều độc giả đặt câu hỏi việc nạn nhân đã bỏ đi thì có xử lý được nhóm người đánh ghen? Hoặc người mẹ chồng lớn tuổi có bị xem xét về tội Cố ý gây thương tích hoặc Làm nhục người khác hay không?
Phụ nữ & Gia đình đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Công ty TNHH MTV Bản Luật để giúp bạn đọc trả lời những thắc mắc này.
Theo luật sư Tuấn, hành vi đánh ghen là vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ hành vi và hậu quả xảy ra mà người đánh ghen sẽ phải chịu xử lý hành chính hoặc hình sự.
- Nếu là hành vi đánh nhau (hai bên thực hiện hành vi với mục đích gây thương tích cho nhau), chưa tới mức nghiêm trọng thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt có thể lên tới 3 triệu đồng.
- Nếu là hành vi đánh người sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu hậu quả gây thương tích cho người khác đủ tỷ lệ thương tích có thể khởi tố sẽ bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích.
- Nếu hành vi đánh người chưa tới mức có thể xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích, vẫn có thể khởi tố về tội Làm nhục người khác. Tất cả những người tham gia đánh ghen (lột quần áo, cắt tóc, đánh đập, làm nhục trên mạng xã hội) cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Để có cơ sở xử lý tội Cố ý gây thương tích, nạn nhân cần trình báo sự việc lên cơ quan công an và phải tiến hành thủ tục giám định để xác định thương tích. Nếu người bị hại không trình báo, không phối hợp với cơ quan điều tra để xác định tỷ lệ thương tích thì không có cơ sở xử lý.
Đối với tội Làm nhục người khác cũng cần phải có đơn trình báo của người bị hại. Nếu người bị hại không yêu cầu cơ quan công an xem xét xử lý các đối tượng đánh ghen thì cũng không có căn cứ để xem xét.
Khoản 2, Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Khoản 2, Điều 155. Tội làm nhục người khác:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.