Khoảng 17h ngày 2/9, tại km 22+650 quốc lộ 12, thị trấn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, gây ách tắc giao thông tạm thời.
- Ba người mất tích do sạt lở, lũ cuốn ở Thanh Hóa
- Mưa lũ ở Điện Biên khiến hàng chục ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi
Những người dân chứng kiến trận lũ quét cho biết, khi đang lưu thông trên đường thì nghe thấy tiếng động lớn từ trên núi vọng xuống. Mọi người giật mình chạy khỏi khu vực có tiếng động thì đột ngột đất đá ập xuống đường.
Hàng nghìn mét khối đất, đá, bùn nhão đất ào ào đổ xuống, khiến người tham gia giao thông và một nhà dân gần đó chạy tán loạn.
Trận lũ quét đã làm hư hỏng một nhà ven đường, vùi lấp và cuốn trôi một số xe máy và nhiều vật dụng. Rất may lũ xảy ra vào ban ngày nên không gây thiệt hại về người. Hiện tuyến đường Quốc lộ 12 nối Lai Châu với tỉnh Điện Biên đang bị chia cắt tạm thời do đất, đá phủ kín nhiều đoạn.
Theo đại diện đơn vị Công ty Cổ phần xây dựng và Quản lý đường bộ 1 Lai Châu, ngay sau khi xảy ra lũ quét, đơn vị đã huy động phương tiện, máy móc để tập trung khắc phục.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn đang có mưa, dọc Quốc lộ 12 từ Lai Châu đi Điện Biên xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, với khối lượng đất đá lớn, nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành công điện hỏa tốc về việc ứng phó với tình hình mưa, lũ, sạt lở đất. Trong đó, yêu cầu các địa phương và các sở, ngành liên quan chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; cảnh báo kịp thời, đầy đủ, đến người dân để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đồng thời tiến hành khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Các địa phương tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo quy trình vận hành được phê duyệt; có phương án xử lý bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Hướng dẫn, cảnh báo và tổ chức kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập; kiên quyết không để người dân vớt củi, bắt cá, lội qua khe, suối… khi đang có mưa lũ.