Nghề báo rất đặc thù về tác nghiệp. Nếu một trong hai phía không cảm thông, chia sẻ thì sẽ xảy ra hai lựa chọn: "Bỏ nghề giữ hạnh phúc hoặc bỏ hạnh phúc theo đuổi đam mê".
- Báo chí thế giới trong “cuộc đua” chuyển đổi số
- Một gia đình 4 người bị ngộ độc, 3 người tử vong tại chỗ trong đó có trẻ nhỏ, cảnh sát sốc với bí ẩn đằng sau thảm kịch
Đi làm về tới nhà là mười giờ đêm, nữ nhà báo Kim Anh thấy chồng đang bế đứa con hai tuổi trên tay, trên trán thằng bé là chiếc khăn chườm hạ sốt, chị không khỏi rơi nước mắt. Dù chồng chị chỉ nhẹ nhàng nói “em tắm rửa rồi ăn cơm đi, con ngủ rồi”, nhưng trong lòng chị cảm thấy vô cùng có lỗi với chồng con.
Làm nghề báo, chị dấn thân vào mảng điều tra cho nên sớm tối đi về thất thường. Ban đầu chị còn cố gắng nấu cho anh một bữa sáng, một bữa cơm tối, nhưng dần dần chị còn chẳng thể ăn cơm ở nhà. Ban đầu chồng chị cũng buồn nhưng sau thấy chị yêu nghề, lại vất vả nên anh cũng thay chị gánh vác luôn cả việc nội trợ. Sau khi sinh con, chị lại lao vào việc. Con mới một tuổi đã phải gửi trẻ, anh đảm nhận nhiệm vụ đưa đón và chăm sóc con. Thằng bé quấn bố hơn cả mẹ.
Nhiều lúc Kim Anh chỉ muốn bỏ nghề để bù đắp lại cho chồng con, nhưng cũng như nhiều nhà báo khác, khi đã bước vào nghề báo chỉ có sự đam mê cháy bỏng, như thấm, như ăn vào máu, nếu thiếu những chuyến đi, những bài viết, những khám phá thì coi như cuộc sống vô vị. Chính vì thế, chị chỉ biết cố gắng hết sức mình để vừa làm việc vừa vun đắp hạnh phúc. “Cũng may chồng mình là người đàn ông tâm lý, hiểu và yêu thương vợ con, nếu không thì mình cũng khó có thể có quyết tâm theo nghề báo đến cùng”, chị Kim Anh chia sẻ.
Không được như nhà báo Kim Anh, nhà báo Thanh Bình là trưởng ban điện tử của một tờ báo. Anh không phải đi hiện trường nhiều như phóng viên khác, nhưng lại suốt ngày “gắn” với cái máy tính và hệ thống xuất bản báo điện tử. Mỗi ngày, phóng viên đẩy lên hàng trăm tin, bài, anh phải đọc hết và xuất bản đến bạn đọc.
“Năm giờ sáng mình đã phải dậy lướt qua các tin bài, sau đó thì ngồi lỳ để đọc bài và xuất bản. Về tới nhà chỉ kịp tắm rửa, ăn cơm rồi lại mở máy tính ngồi đến đêm. Vợ mình không chịu được đã cằn nhằn rất nhiều, cô ấy cho rằng mình không cần thiết phải “ôm” máy tính cả ngày cả đêm như thế. Chẳng qua chỉ là do chồng lười biếng, trốn việc. Cô ấy không hiểu rằng làm ở vị trí của mình phải rất chú tâm, bởi khi bài báo được xuất bản lên điện tử là có hàng ngàn người đọc, nếu xảy ra lỗi cả về mặt nội dung, chính tả cho đến nhãn quan chính trị, hậu quả rất khó lường.
Chính vì vậy mà mình phải rất tập trung. Tiếc rằng mình đã không biết cách hài hòa giữa công việc và gia đình, lần gần đây nhất là hơn một tháng, cô ấy đã ôm con về nhà mẹ đẻ, đến giờ vẫn chưa chịu quay về”, nhà báo Thanh Bình tâm sự trong tiếng thở dài.
Nghề báo vốn là một nghề mang nhiều áp lực, đôi khi còn rất nguy hiểm.Việc thực hiện một đề tài nóng, nhạy cảm đòi hỏi người làm báo ngoài chuyên môn cần phải có sức khỏe, bản lĩnh và sự hy sinh. Có một người là chồng của một nữ nhà báo khẳng định rằng: “Lấy vợ nhà báo, bạn phải chấp nhận quá trình … đàn bà hóa”.
Anh cho biết anh phải làm tất cả mọi việc từ chăm sóc con, cho con bú, giặt giũ, nấu cơm, rửa bát… trong khi vợ thoắt ẩn thoắt hiện ở nhà. Còn đối với một số phụ nữ có chồng nhà báo thì khẳng định rằng, nếu biết cách làm cả hai vai bố và mẹ của con thì hãy lấy chồng nhà báo.
Như vậy để thấy rằng, làm vợ, chồng nhà báo hẳn phải là người có nỗ lực khác thường. Họ không những phải biết cảm thông, biết kiên nhẫn chịu đựng mà còn phải biết thích nghi với cuộc sống, giờ giấc bất thường của người bạn đời. Hơn thế nữa, phải là người tuyệt đối tin tưởng vào vợ/chồng là nhà báo, bởi những lần đi sớm về hôm, tác nghiệp trong những hoàn cảnh “mờ ám” của người bạn đời sẽ khiến họ đặt ra những nghi vấn, rồi là giận dỗi, dằn vặt nhau…
Những nhà báo, họ luôn có vẻ bề ngoài đầy nhiệt huyết, nhanh nhạy và vui vẻ, nhưng đôi khi họ lại rất lúng túng trong việc “tề gia”, bởi ngay chính bản thân họ cũng khó có thể xắp xếp được mọi thứ theo ý mình như xắp những con chữ. Có nhiều người được bạn đời cảm thông, thấu hiểu thì có thể bám trụ với nghề, bản thân không phải đánh đổi niềm đam mê cầm bút với một gia đình yên ấm, nhưng cũng không ít người phải đắng cay “chọn lấy một” bởi không nhận được sự cảm thông từ người bạn đời.
Đã có nhiều nhà báo chọn hy sinh nghề để giữ hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều người chọn nghề để được sống thật với đam mê của mình. Lựa chọn nào cũng là sự lựa chọn khắc nghiệt. Bởi thế, nếu ai đã trót lấy vợ/chồng làm báo, xin hãy nhớ, họ cần lắm sự cảm thông của người bạn đời…