Bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện sau hơn 2 tháng ăn uống kém, sụt cân, xanh xao, nhợn ói và tiêu lỏng kéo dài.
- Đối diện với tin bắt khẩn cấp bố ruột bé gái 8 tuổi bị bạo hành, cộng đồng mạng sôi nổi: 'Vừa lòng ghê!'
- Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị thay đổi tội danh của 'dì ghẻ' và xem xét xử lý bố ruột bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong
Theo báo Tiền Phong đưa tin, BS Tạ Huy Cần - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, trong quá trình phẫu thuật cho bé gái K.A. (5 tuổi, Sóc Trăng) phát hiện búi tóc rất lớn trọng lượng khoảng 1kg đã chiếm trọn dạ dày của bé.
Trước đó, bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện sau hơn 2 tháng ăn uống kém, sụt cân, xanh xao, nhợn ói và tiêu lỏng kéo dài. Mặc dù, bé đã được điều trị ở phòng khám tư địa phương nhưng tình trạng ngày càng nặng.
Khai thác bệnh sử từ phía thân nhân ghi nhận, cha mẹ của bé đã ly hôn, hiện cháu đang sống với ông bà ngoại, mẹ đi làm xa. Qua thăm khám và quan sát trên cơ thể bệnh nhi, bác sĩ ghi nhận chân tóc của bé có dấu hiệu lấn cao lên vùng đỉnh đầu.
Nghi ngờ bé đã tự bứt tóc để ăn nên các bác sĩ tiến hành kiểm tra hình ảnh thì phát hiện một búi tóc rất lớn đã gây tắc gần như hoàn toàn đường tiêu hóa của trẻ. Ngay lập tức, trẻ được chỉ định thực hiện phẫu thuật để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử đường ruột.
Búi tóc siết chặt và căng phồng niêm mạc, nguy cơ gây thủng dạ dày, tắc ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân. Ê kíp phẫu thuật đã lấy thành công búi tóc ra ngoài, giúp bé vượt qua nguy kịch.
Theo các bác sĩ, tự ăn tóc của chính mình là tình trạng hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trichotillomania - một tình trạng tâm lý biểu hiện thôi thúc người bệnh nhổ tóc và ăn không kiểm soát.
Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỷ lệ mắc cao nhất ở trẻ từ 4 đến 17 tuổi. Trẻ thường cảm thấy lo buồn, không thích tham gia hoạt động ngoài xã hội, trong nhà trường cũng như các mối quan hệ gia đình. Tự nhổ tóc và ăn tóc là hành động giúp người bệnh cảm thấy được thư giãn hơn.
Bác sĩ cho biết, việc điều trị tâm lý cho bé K.A. sau phẫu thuật rất quan trọng để phòng ngừa trẻ sẽ tái diễn tình trạng ăn tóc, tắc ruột tái phát trong tương lai. Trẻ cần sự hỗ trợ của cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc để cảm thấy được hỗ trợ ngăn chặn các hành vi tiêu cực và giảm khó chịu do bệnh.
Đây là nhóm trẻ cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt để tránh nguy cơ các bé rơi vào trạng thái mặc cảm, tự kỷ, rối loạn tâm sinh lý.