Sau khi UBND phường Phú Mỹ, Q7. TP.HCM thông tin giấy vay nợ của nghệ sĩ Hoài Linh là giả thì liệu đối tượng làm giả giấy tờ này sẽ bị xử lý như thế nào?
- Xôn xao tin nghệ sĩ Hoài Linh vay tiền mặt 5 tỷ đồng để 'giải ngân' tiền từ thiện tại miền Trung?
- Thực hư số tiền từ thiện của Hoài Linh bị chênh lệch từ 14,67 tỷ chỉ còn 13,7 tỷ luôn lãi?
Theo thông tin từ Doanh nghiệp và Tiếp Thị, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, đối tượng đăng tải hợp đồng vay tiền giả trên đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, câu like.
Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ: "Trong những năm qua, không chỉ tại Việt Nam, mà trên hầu hết các quốc gia trên thế giới, tin giả đang hoành hành. Tin giả được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Một điều tệ hại là những thông tin sai lệch có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật trên các dịch vụ truyền thông xã hội. Đây là một thực trạng đáng báo động".
Luật sư Bình phân tích thêm: "Ngoài dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu, con dấu của tổ chức còn có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác bởi hiện nay nghệ sĩ Hoài Linh đang là tâm điểm chú ý về việc chậm trễ trong từ thiện".
Trước đó, từ chiều ngày 2/6, trên mạng xã hội lan truyền tờ giấy vay tiền gây xôn xao dư luận. Theo nội dung của hợp đồng này ghi lại, một người bên B có tên là Võ Nguyễn Hoài Linh vay một người tên A là N.M với số tiền 5 tỷ đồng để "trả nợ".
Sau khi bản hợp đồng này được đăng tải lên MXH đã khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên theo thông tin từ Doanh Nghiệp và Tiếp Thị, tối ngày 2/6, ông Phạm Thế Quang, Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, quận 7 cho biết, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ chứng thực chữ ký ngày 28/5/2021 tại UBND phường Phú Mỹ, hoàn toàn không có hồ sơ chứng thực chữ ký tên N.M. và Võ Nguyễn Hoài Linh (Tên thật của NS Hoài Linh).
Theo đó,các cá nhân xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Riêng hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm :
+ Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.