Thủ tướng kết luận 12 địa phương gồm 10 tỉnh, thành đặc biệt là 2 đô thị lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể.
- Bị xử phạt 12 tháng tù vì không đeo khẩu trang, xúc phạm, chống đối lực lượng phòng chống dịch Covid-19
- Ấm lòng những suất cơm miễn phí ship tận nơi cho người nghèo ở Đà Nẵng trong mùa dịch Covid-19
Chiều 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương, thành phố lớn trên cả nước về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh….
Theo đó, Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm tỉnh có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp và thống nhất, nhóm này không phải là bất biến và sẽ được xem xét, đánh giá lại.
Trong đó, nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành: TP HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
"Đặc biệt là 2 đô thị trung tâm lớn là Hà Nội, TP HCM. 10 tỉnh, thành phố và 2 đô thị trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể.
Có thể kéo dài hơn nữa nếu như có tình trạng lây nhiễm và một số tỉnh có thể bổ sung thêm vào nhóm này nếu có tình trạng lây nhiễm", Thủ tướng nói.
Ông cho rằng, nhóm có nguy cơ cao cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa…
Trước đó, liên quan đến việc sau ngày 15/4, có tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nữa hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, BCĐ phòng chống dịch Covid -19 Trung ương đã chỉ đạo nhóm chuyên gia xây dựng các mô hình dự báo mức độ nguy cơ của từng địa phương, dựa trên các tiêu chí cụ thể.
Từ đó BCĐ phòng chống dịch Covid-19 Trung ương thống nhất chia các địa phương thành 3 nhóm: nguy cơ cao; nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Nhóm nguy cơ cao có 12 tỉnh, thành phố gồm: TP HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nội dung của Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4.
Nhóm nguy cơ gồm 15 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp.
Nhóm nguy cơ thấp là 36 tỉnh còn lại. 2 nhóm này thì thực hiện việc giãn cách xã hội ở mức độ thấp hơn, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, không được chủ quan lơ là.
Với nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22/4 tùy vào tình hình dịch bệnh.
Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Trước đó, Thủ tướng yêu cầu từng bước giảm mức giãn cách xã hội phù hợp với hoàn cảnh mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương; linh hoạt nhưng kiểm soát chặt chẽ mục tiêu kép trong phát triển, đó là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội. Giải quyết nhu cầu cấp bách của một số tầng lớp trong xã hội.
Thực hiện ngay gói an sinh xã hội, xử nghiêm các hành vi vi phạm phòng chống dịch
Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn của mình một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng lây nhiễm Covid-19 Lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh chưa cần thiết, kể cả với nhóm nguy cơ và ít nguy cơ.
Cũng theo Thủ tướng, người đứng đầu địa phương căn cứ tình hình thực tiễn quyết định việc có thể kéo dài thực hiện Chỉ thị 16. Việc thực hiện cách ly xã hội có thể theo quy mô cấp xã, huyện, tùy theo nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch. Tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến 30/4. Xem xét giải quyết cho những người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về nước, cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu iếp tục đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến, khuyến khích cán bộ làm việc tại nhà.
Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, người đứng đầu các cơ quan nhà nước quyết định cụ thể việc này để đảm bảo công việc thông suốt, chất lượng… Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 15, 16, tránh tình trạng đua xe, tụ tập đông người, không để bất cứ nhóm chống đối nào quậy phá, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm răn đe.
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT đề xuất kế hoạch học tập của học sinh, sinh viên trong cả nước và kế hoạch thi cử, báo cáo Thường trực Chính phủ trên tinh thần đảm bảo an toàn cho học sinh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện ngay gói an sinh xã hội với tinh thần cứu trợ như cứu hỏa, không thể để chậm trễ hơn vì người lao động đang rất khó khăn, không vì thủ tục mà kéo dài việc hỗ trợ.
Bộ Y tế được giao chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, VPCP soạn thảo một Chỉ thị mới trình Thủ tướng.