Hứa hẹn mũi S-line, kết quả thành 'X… line'

Xã hội 26/09/2018 14:28

Câu chuyện này là lời cảnh báo cho nhiều người vẫn đang coi trọng vấn đề làm đẹp hơn là nhận biết tình trạng bệnh lý của mình, để có thể tìm đến đúng nhà chuyên môn uy tín hòng chữa trị.

Gửi đơn đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà T.T.K.A. (49 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đau khổ trình bày sự việc mình đến sửa mũi nhiều lần tại Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc (44-46-48-50 Tôn Thất Tùng, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) nhưng đều thất bại, mũi càng sửa càng xấu không như những gì bác sĩ tại đây đã hứa hẹn.

Bệnh viện xin hoàn 50% chi phí

Theo bà A., nhiều năm trước, bà đã nâng mũi bằng cách chích silicon lỏng vào sóng mũi. Đến năm 2015, bà tìm đến Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc để sửa. Người tư vấn cho bà là bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung. Hai bên đồng ý mức giá là 45 triệu đồng, cộng thêm 3 triệu đồng tiền kháng sinh sau mổ. Bác sĩ bảo đảm sửa xong, mũi của bà A. sẽ đẹp thời thượng S-line (cao và cong tự nhiên).

Thế nhưng, sau khi được chính bác sĩ Tú Dung thực hiện phẫu thuật, sóng mũi của bà A. lại thẳng đơ, không hề có dáng dấp của chiếc mũi S-line như hứa hẹn. Bệnh viện đồng ý sửa lại lần hai cho bà với cam kết không phải trả thêm phí tổn nào vào tháng 4/2017.

Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc sửa mũi S-line thành 'X… line'

Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc tại Q.1, TP.HCM

Sau lần mổ cũng do bác sĩ Tú Dung thực hiện này, theo bà A., mũi của bà càng xấu thêm. Không tạo ra được hình dạng chiếc mũi cao và cong tự nhiên, bà còn được “khuyến mãi” thêm một vòng gồ trên sóng mũi.

Sau hai lần phẫu thuật, mũi vẫn không như ý, bà A. đã khiếu nại bệnh viện. Bác sĩ Tú Dung thương lượng hoàn lại cho khách 30% của 56 triệu đồng là tổng chi phí hai lần mổ. “Tôi không đồng ý. Sau đó, bác sĩ Tú Dung tăng lên 50%. Tôi cũng không đồng ý vì tôi cần lấy lại đúng 56 triệu đồng để còn đi làm lại mũi ở chỗ khác”, bà A. nói. Đến tháng 9/2018, đợi mãi 4-5 tháng không thấy bệnh viện phản hồi, bà A. đành chấp nhận số tiền 28 triệu đồng mà bệnh viện hứa hoàn lại.

Với mũi silicon, chữa bệnh trước, yêu cầu thẩm mỹ sau

Trao đổi với chúng tôi, bà Lưu Hồng Ngọc - đại diện Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc - xác nhận về trường hợp của khách hàng T.T.K.A. Theo bà Ngọc, bác sĩ đã giải thích với khách hàng là nếu đã tiêm silicon, sẽ không thể nạo ra hết được, mà chỉ có thể lấy ra một phần. “Vì silicon đã vào cơ thể thì không thể nào bóc tách hết hoàn toàn được và chị A. đồng ý làm. Sau khi làm, chị ấy nói mũi còn cao. Cái đó là do phần silicon còn bên trong chứ không phải là do phần sóng mũi”, bà Ngọc giải thích.

Tuy nhiên, bệnh viện cũng đánh giá do mũi tiêm silicon nên sau phẫu thuật chỉ cải thiện ở mức tương đối dù quá trình phẫu thuật đã thực hiện đúng chuyên môn. Bà Ngọc cho biết thêm: “Do khách hàng không hài lòng và còn trong thời gian bảo hành, nên chúng tôi quyết định sửa lại bình thường cho chị, để làm vừa ý khách hàng”. Từ trường hợp của bà A., một điều rất đáng quan tâm theo chuyên gia về thẩm mỹ tạo hình, đây phải được đánh giá và tiếp cận xử trí là một ca bệnh lý silicon, chứ không đơn giản như các viện thẩm mỹ đang làm “hà rầm”.

Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc sửa mũi S-line thành 'X… line'

Bà T.T.K.A. trình bày sự việc tại tòa soạn Báo Phụ Nữ

PGS-TS Đỗ Quang Hùng - Phó trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết, silicon lỏng khi được chích vào cơ thể sẽ thâm nhập vào trong mô dưới da, trong cơ, sụn, xương thành một thể thống nhất không thể tách rời. Vì vậy, muốn lấy silicon lỏng ra phải lấy luôn cả phần thịt da bị nhiễm độc.

Các phương pháp khác như hút, nạo, chích thuốc... đều không có hiệu quả và sẽ làm tình trạng mũi xấu đi. “Muốn cải thiện, chất liệu dùng để tạo hình tỏ ra thích hợp, theo kinh nghiệm của chúng tôi, là dùng sụn sườn tự thân để tạo hình mũi, hoặc trung bì mỡ. Tuy nhiên, mô ghép đặt trong một vùng da thịt đang phản ứng với silicon, thì khả năng tiếp tục phản ứng với mô ghép là không thể loại trừ được. Nếu có phản ứng thì phải mổ lấy ra bằng một phẫu thuật khác”, bác sĩ Hùng nói.

Theo ông, mổ lấy silicon lỏng là một phẫu thuật lớn, thường cần gây mê. Khoảng bóc tách rộng, da thịt đang bị phản ứng viêm, sự hiện diện của mô ghép đòi hỏi thời gian theo dõi chăm sóc hậu phẫu kéo dài, khó khăn. Ngoài ra, việc dùng thuốc men sau mổ phải đầy đủ, đúng đắn, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân theo những lời dặn của bác sĩ trong quá trình điều trị.

“Quan trọng nhất, mục đích của cuộc mổ là để chữa bệnh, yêu cầu về thẩm mỹ phải đặt sau. Dù phẫu thuật viên cố gắng trong việc tái tạo thẩm mỹ cho tháp mũi, kết quả có thể không hoàn toàn như ý vì tùy thuộc vào cơ địa thành sẹo của bệnh nhân và mức độ silicon lỏng thâm nhiễm vào những cấu trúc quan trọng. Do vậy, không thể tùy tiện hứa hẹn, quảng cáo “búa xua” như hiện nay được”, bác sĩ Hùng cho hay. 

Tiêm filler nâng mũi, nữ sinh viên 20 tuổi ở Sài Gòn đối diện nguy cơ hoại tử da, mù mắt vĩnh viễn

Nghe lời quảng cáo tiêm chất làm đầy giá chỉ vài trăm ngàn là có sóng mũi cao vút, nữ sinh viên “nhắm mắt làm liều” và nhập viện chỉ sau 35 phút tiêm.

TIN MỚI NHẤT