Xung quanh sự việc hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) lạm dụng tình dục nam sinh, một số ý kiến từ lãnh đạo các trường phổ thông và nhà hoạt động xã hội cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc các em không biết gọi đến ai khi bị xâm hại.
- Hàng loạt nam sinh tố bị thầy hiệu trưởng lạm dụng tình dục: "Sợ bị đuổi học nên không dám nói cho ai"
- Phú Thọ: Công an xác nhận có việc hiệu trưởng lạm dụng tình dục nam sinh
Trường không phổ biến, học sinh không nhận diện được hành vi xâm hại
TS tâm lý học Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục thuộc Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhận xét “trước đây nhiều người còn không nghĩ rằng học sinh nam cũng bị lạm dụng tình dục đồng giới giờ mới vỡ lẽ ra là nó có thật”.
Theo ông Nam, thực tế đó cũng chính là nhận thức sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh khi cho rằng “con trai thì chẳng bị làm sao, chẳng mất gì”, và thường chủ quan, không hỗ trợ con trong việc phòng tránh.
Chị Mai Thị Bưởi, Quản lý chương trình trẻ em Trung tâm CASGA, thì chia sẻ mới đây, Trung tâm có một dự án ở một trường phổ thông dân tộc nội trú. "Việc cần nhìn nhận đầu tiên là các em học sinh không nhận diện được đâu là hành vi xâm hại. Tiếp đó, phía các nhà trường cũng không phổ biến những thông tin đó và cũng không hề có quy chế rằng khi học sinh gặp phải những tình huống không an toàn thì có thể tìm đến ai".
"Trẻ không biết tìm đến ai và kẻ xâm hại thì thường có nhiều cách để khống chế. Vì vậy, khi rơi vào tình huống đó, phần đa các em cảm thấy sợ hãi, không dám kể với ai” - chị Bưởi nhận định.
“Nhiều trường tổ chức tuyên truyền, như chính Trường Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn cũng từng làm, nhưng nếu chỉ như buổi thuyết trình từ trên xuống dưới thì trẻ sẽ không hiểu hết được và không thể chia sẻ. Quan trọng hơn là những buổi tuyên truyền do các thầy cô trong nhà trường thự hiện thì trẻ dễ gặp tâm lý thụ động, không lắng nghe".
Chị Bưởi cho rằng có hai việc cần làm tốt: Thứ nhất là truyền thông cho học sinh, và thứ hai là có cơ chế rõ ràng khi có chuyện thì báo cho ai.
“Nếu như ở trường nội trú thì có thể có một người phụ trách riêng về vấn đề này, nếu không thể trực tiếp thì có thể tổ chức bằng hình thức viết giấy hòm thư, thư điện tử… Nhưng hiện tại, ở nhiều trường, những điều cơ bản nhất như thế đã không có".
Theo chị Bưởi, chính các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng cần phải biết cách nhận diện sự việc, bởi những trẻ khi rơi vào tình trạng đó bao giờ cũng có những biểu hiện ra bên ngoài, đặc biệt đối với trường nội trú một lớp không nhiều học sinh.
Phải "dạy" cả giáo viên và trẻ dám nói
Trong một tình huống nhìn thấy bản thân hoặc bạn mình bị xâm hại, theo ông Trần Thành Nam, một là đứa trẻ sẽ đứng lên phản ánh, hai là im lặng để tránh các hệ lụy, rắc rối đến với bản thân.
“Đứa trẻ hoặc phải đủ đầy kiến thức về quyền hoặc có lòng tự trọng lớn thì mới có thể mạnh dạn lên tiếng. Còn khi các em không được giáo dục bài bản về quyền, luật pháp, kiến thức thế nào là xâm phạm hoặc lòng tự trọng không có (bởi luôn nghĩ mình sẽ không được tin tưởng bằng người khác) thì không dám nói lên bởi cho rằng nói ra cũng không thay đổi được sự việc mà còn chịu trách nhiệm này khác”, ông Nam nói.
Giải pháp, theo ông Nam, trước hết những đứa trẻ phải dám nói. “Cần giáo dục trong gia đình và cấp tiểu học, để ngay từ nhỏ, con trẻ có một lòng tự trọng cao hơn để biết được rằng trong những tình huống nào cần phải đấu tranh nói ra những cái xấu. Giáo dục về giá trị cá nhân lâu dài nhưng là căn cốt để thay đổi”.
Những thông tin để tuyên truyền về quyền lợi của trẻ cần trở thành nội dung được tuyên truyền thường xuyên trong nhà trường. “Phải có những đường dây nóng của trẻ em được phổ biến trong trường. Đặc biệt, những môi trường có nhiều nguy cơ trẻ bị xâm hại hơn như cấp tiểu học thì nội dung phòng chống xâm hại tình dục phải được đưa vào chương trình chính khóa hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Cần thiết cho trẻ ý thức và nhớ được những số điện thoại liên hệ khi xảy ra vấn đề, và yên tâm rằng nếu báo sẽ không bị trù dập. Ngay cả giáo viên cũng cần biết điều này”.
Ngoài ra, công tác tuyển người cho những vị trí ở những vùng có nguy cơ đặc biệt, nhạy cảm như trong các trường nội trú… cần tính cả yếu tố tâm lý.
“Ở những trường nội trú, trường tiểu học hay ở những nơi đối tượng yếu về mặt nhận thức hơn thì những người được chọn về những nơi đấy càng cần cân nhắc về phẩm chất đạo đức”, TS Nam nói.
Và không thể không nhắc đến công tác khám chữa bệnh thường xuyên đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ công tác giáo dục, đặc biệt về mặt tinh thần.
“Phải yêu cầu khám bắt buộc về mặt tinh thần, như kiểm tra xem thầy cô nào đang ở trong tình trạng quá tải, lo âu, trầm cảm hay các bệnh như loạn dục, ấu dâm… Qua đó có thể phát hiện và thuyên chuyển đến các vị trí phù hợp hơn”, ông Nam nói.
Còn đứng ở góc độ hiệu trưởng của một trường nội trú, thầy Tô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tiểu học và THCS Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho rằng cần phải quán triệt rõ “Trò ra trò, thầy ra thầy”.
Thầy Đức cho hay, trẻ ở các trường nội trú thường rụt rè. Do đó, để học sinh mạnh dạn chia sẻ các vấn đề với thầy cô, thì với tư cách là hiệu trưởng, ông thường xuyên quán triệt, triển khai trong các cuộc họp, hội nghị từ đầu năm về các quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo, nội quy nhà trường.
“Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường và dạy kỹ năng sống để học sinh có thể nói về các câu chuyện của mình với thầy cô. Các tối thứ 2 đầu tuần, nhà trường thường tổ chức sinh hoạt nội trú để học sinh chia sẻ những vấn đề liên quan, những điều chưa được sẽ phải kiểm điểm và khắc phục”.
Theo thầy Đức, cần có những giải pháp liên quan bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ giáo viên.
“Đạo đức nghề nghiệp là điều quan trọng nhất. Chính các giáo viên của trường nếu thấy việc không hay cũng phải lên tiếng. Nếu theo dõi học sinh hằng ngày thì nếu có khác biệt sẽ biết ngay”, vị hiệu trưởng này nhìn nhận.
Theo thầy Đức, để khuyến khích trẻ nói ra, thì khi tiếp nhận phản ánh, nhà trường cần phải vào cuộc. Nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các trường hợp khác.
Ngành giáo dục không thể nào suốt ngày đi xử lý hết tất cả các vụ việc mà cần có các phương án phòng trừ từ gốc. Giờ giống như một cơ thể khi bị ung thư, cần phải đại phẫu, chịu đau một chút để sàng lọc hết một lần trong toàn hệ thống 1,3 triệu giáo viên về mặt sức khỏe tinh thần”.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục thuộc Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội)
”