Vào ngày 29/3, Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra nhóm đối tượng giả mạo cán bộ công an để lừa đảo, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn.
- Danh tính của tài xế taxi tông tử vong bảo vệ khu đô thị ở Hà Nội
- Diễn biến mới nhất sự việc 56 học sinh Hà Nội nghi ngộ độc sau chuyến dã ngoại
Theo thông tin từ VTC News, vào sáng ngày 29/3, lãnh đạo Công an huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra nhóm đối tượng giả mạo cán bộ công an để lừa đảo, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn.
Cụ thể, ông C.V.S (58 tuổi, trú xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) người bị hại trong vụ việc này cho biết, bản thân đang là hiệu trưởng của một trường tiểu học ở huyện Cẩm Xuyên. Sáng 27/3, ông S. nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên tổng đài viễn thông, thông báo số thuê bao đang dùng bị rò rỉ thông tin cá nhân và số điện thoại này đã bị đăng ký tài khoản để phát tán thông tin xấu độc.
Sau đó, ông S. đề nghị nhân viên tổng đài xóa tài khoản này. Lập tức đầu dây bên kia bắt đầu “giăng bẫy”, nói rằng tài khoản này được đăng ký ở TP. Đà Nẵng, nếu xoá thì phải có sự thanh kiểm tra của công an địa phương và cho số điện thoại của Đội điều tra Công an TP. Đà Nẵng để bị hại liên lạc.
“Khi gọi điện vào số này, một người đàn ông tự xưng là đại uý Nguyễn Hùng Cường, là cán bộ điều tra viên tiếp nhận trình báo vụ việc. Người tên Cường bảo tôi nhập vào đường dẫn để hai bên trao đổi. Sau khi đăng nhập thành công, người tên Cường yêu cầu để bảo mật thông tin trong quá trình điều tra thì không được cho người thứ 3 biết”, ông S. nói.
Trong quá trình trao đổi qua điện thoại, người tự xưng là đại uý công an đã yêu cầu ông S. phải đến trực tiếp Công an TP. Đà Nẵng để trình báo. Tuy nhiên, kẻ lừa đảo này cũng thông báo nếu không sắp xếp để vào trực tiếp được sẽ tạo điều kiện để làm việc qua mạng.
Tiếp đó, người tên Cường kết nối cho ông S. gặp cán bộ cấp trên tên Đàn, xưng là Đội trưởng Đội điều tra. Từ tên Đàn, ông S. tiếp tục bị lừa rằng số điện thoại đang dùng bị đối tượng Nguyễn Văn Dũng lấy để đăng ký tài khoản. Đối tượng Dũng là tội phạm xuyên quốc gia đã lừa đảo, buôn ma túy và và chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân.
Kẻ này tiếp tục cho ông S. xem thông tin mở tài khoản rửa tiền tại Đà nẵng và Quyết định bắt tạm giam trong thời gian là 90 ngày để phục vụ điều tra. Vì tin lời nhóm lừa đảo, ông S. sau đó tiếp tục làm theo những gì mà nhóm này hướng dẫn, trong đó có việc cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP.
Nhận mã OTP, số tiền 965 triệu đồng trong tài khoản ông S. đã bốc hơi. Khi phát hiện mình đã bị lừa ông S. ngay lập tức trình báo công an để vào cuộc điều tra.
Trước đó, theo thông tin từ VOV, nữ nạn nhân B.T.T.T ở Gia Nghĩa, Đăk Nông kể, ban đầu, chị nhận cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu đến Công an để làm việc. Đối tượng thông báo chị T có liên quan đến một đường dây rửa tiền, đồng thời gửi cho chị nhiều văn bản của Công an, Viện kiểm sát thể hiện chị T là nghi can vụ án rửa tiền.
Để chứng minh mình vô tội, chị T đồng ý hợp tác để điều tra và sau đó, đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền qua tài khoản để tiến hành kiểm tra, nếu không liên quan thì chúng sẽ chuyển trả lại. Đối tượng đề nghị chị T tuyệt đối giữ bí mật thông tin. Vì lo sợ, chị T đã âm thầm chuyển khoản nhiều đợt, tổng cộng số tiền gần 3 tỷ đồng vào 2 tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển khoản, chị không thể liên lạc được với các đối tượng, lúc này chị mới đến trình báo sự việc với công an.
Trường hợp của bà L. (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cũng tương tự. Bà nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Viện kiểm sát thông báo bà L. có liên quan đến vụ án ma túy.
Đối tượng này yêu cầu bà L. phải chuyển tiền vào tài khoản để phong tỏa, nếu không liên quan sẽ trả lại. Do lo sợ, bà L. đã chuyển 4,25 tỉ đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi chuyển tiền, bà L. mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng trình báo.