Trong phiên tòa xét xử vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ngày 27/3, HĐXX đã nhắc nhở ông Vũ về việc phải xưng "bị đơn" thay vì "Qua".
Sáng 27/3, rất đông phóng viên, các cơ quan truyền thông báo chí, luật sư đã có mặt tại TAND TP.HCM để theo dõi phiên tòa ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên).
Sau khi thu thập các thông tin từ các ngân hàng, HĐXX cho biết tất cả các tài khoản đứng tên bà Thảo trong ngân hàng chỉ còn hơn 1,3 tỷ thay vì 2100 tỷ như số liệu ban đầu. Vì vậy, HĐXX yêu cầu bị đơn và nguyên đơn tiếp tục hỏi đáp về số tiền 2100 tỷ đồng trong phiên xét xử ngày hôm nay.
Cũng như những phiên tòa trước, ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn xưng "Qua" khi đối đáp với vợ cũng như trả lời các câu hỏi của HĐXX.
- "Qua nói rồi, hãy để Trung Nguyên phát triển theo đúng tầm nhìn của nó"
Sau câu nói này, HĐXX nhắc nhở ông Vũ không được xưng "Qua" với HĐXX mà phải xưng "bị đơn".
Ông Vũ thay đổi cách xưng hô "Qua" kể từ sau khoảng thời gian 5 năm dài vắng bóng trên truyền thông. Chiều tối 16/6/2018, sau 5 năm gần như ở ẩn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ có mặt ở sự kiện kỷ niệm thành lập thương hiệu và ra mắt hệ sản phẩm cà phê mới mang tên Trung Nguyên Legend.
Đó cũng là lần đầu tiên công chúng được biết ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên với lối trang phục và xưng hô khác lạ: Ông Vũ mặc áo khoác dài đen, quần vải trắng rộng thùng thình, cổ quấn khăn rằn, chắp hai tay sau lưng và xưng "Qua", gọi những người xung quanh là những "anh chị em" của mình.
Ông Vũ cho biết: "Qua là từ của miền Tây, dễ thương lắm đó nghen. Nó cũng là "tôi" thôi, không có gì khác".
Trong Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 quy định về nội quy phiên tòa có nêu rõ:
Khi phổ biến nội quy phiên tòa, Thư ký có thể hướng dẫn những người tham gia tố tụng cách xưng hô tại phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phiên tòa và có trách nhiệm duy trì kỷ luật phiên tòa. Mọi người trong phòng xử án phải có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Mọi người trong phòng xử án bao gồm tất cả những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên toà phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án để bắt đầu phiên tòa và khi Tòa tuyên án.
Đối với những người tham gia tố tụng khác như người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng... hội đồng xét xử và người tham gia phiên tòa nên xưng là ông, bà, anh, chị tùy theo độ tuổi của họ. Một số thuật ngữ đã được luật hóa thì khi nói và xưng hô phải đúng pháp luật.
”