Ngày 7/8, gần 100 công nhân Xí nghiệp Gạch Tuynel K2 Đông Văn (xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá) thuê xe ra Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) để yêu cầu giải quyết các quyền lợi về lương, bảo hiểm.
- Đồng Nai ứng thêm 1,4 tỷ đồng giúp công nhân bị nợ lương
- Công nhân bị nợ lương: Trời sắp Tết nhưng lòng người không Tết
7 tháng không lương, 72 tháng không được đóng bảo hiểm xã hội, dù hàng tháng vẫn bị trích tiền lương để nộp bảo hiểm, nhà máy ngừng hoạt động, mất việc… là những gì đang diễn ra đối với hơn 100 công nhân của Xí nghiệp Gạch Tuynel K2 Đông Văn (thuộc Công ty cổ phần Hancorp 2 – Tổng công ty Xây dựng Hà Nội).
Cũng từng ấy người, trong suốt 7 tháng qua, đã bỏ công bỏ việc, lặn lội từ TP Thanh Hoá ra Hà Nội tìm tới Công ty cổ phần Hancorp 2 – Tổng công ty Xây dựng Hà Nội gửi kiến nghị, mong đòi được quyền lợi chính đáng của mình. Thế nhưng, đến nay, họ chỉ nhận được sự hứa hẹn, trong khi đời sống của nhiều gia đình đang rơi vào cảnh khó khăn cùng quẫn.
Cực chẳng đã, ngày 7/8, gần 100 công nhân Xí nghiệp Gạch Tuynel K2 Đông Văn tiếp tục thuê xe ra Bộ Xây dựng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) có trụ sở tại số 57 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội để yêu cầu giải quyết các quyền lợi về lương, bảo hiểm.
Không lương, không bảo hiểm
Ông Thiều Văn Hùng (43 tuổi, Xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá) cho biết, ông đã nhiều lần cùng mọi người thuê xe ra Tổng công ty Xây dựng Hà Nội để đòi quyền lợi nhưng không được.
Ông Hùng cho biết, Xí nghiệp gạch Tuynel K2 Đông Văn đã ngừng hoạt động từ tháng 2/2018. Từ tháng 1/2018 tới nay, 150 công nhân nhà máy vẫn chưa nhận được tiền lương.
Không những thế, từ năm 2012, công nhân không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, dù hàng tháng vẫn phải trích lại một phần tiền lương để đóng bảo hiểm.
“Chúng tôi làm đơn ra cơ quan bảo hiểm để hỏi về việc sao không chốt được bảo hiểm thì được Bảo hiểm Xã hội TP Thanh Hoá cho biết, từ tháng 7/2012 đến nay, Xí nghiệp Gạch Tuynel K2 Đông Văn không đóng bảo hiểm, dù hàng tháng vẫn trừ tiền lương của công nhân”, ông Hùng nói.
“Khi phát hiện sự việc, công nhân phản ứng thì được lãnh đạo xí nghiệp trấn an, nói các cháu chưa về hưu, xí nghiệp tạm dùng số tiền đó vào sản xuất kinh doanh, nếu ai về chế độ hoặc ngừng việc sẽ chốt sổ, trả bảo hiểm đầy đủ. Nhưng hiện nay xí nghiệp ngừng hoạt động, tất cả mọi người không ai được thanh toán”, ông Hùng nói thêm.
Ông Nguyễn Xuân Hưng (46 tuổi, Xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá) cho hay, thời gian qua đã nhiều lần đến Tổng công ty Xây dựng Hà Nội nhưng lần nào cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn.
“Họ đánh trống bỏ dùi, hứa đến ngày 18/5 sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, bầu lãnh đạo mới và hoạt động sản xuất trở lại. Nhưng đến nay đã nhiều tháng mà chúng tôi vẫn không có việc, nhà máy vẫn đắp chiếu để đó”, ông Hưng nói.
Bà Hạ Thị Hoà (45 tuổi, Xã Đông Văn) cho hay, đã 7 tháng nay, bà chưa nhận được tiền lương trong khi cả hai vợ chồng đều là công nhân nhà máy khiến cuộc sống gia đình lâm vào khó khăn.
“Tôi có hai cháu học đại học, gia đình rất khó khăn. Mấy tháng rồi ai mượn làm gì chúng tôi làm nấy, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Ngày Tết cũng chẳng có gì”, bà Hoà nói.
Bà Hoàng Thị Kim Thoa (41 tuổi, Xã Đông Phú) cho biết, trước đây, hai vợ chồng làm ở Xí nghiệp Gạch Tuynel K2 Đông Văn, do lương thấp nên phải bỏ ra làm ngoài. “Từ khi mất việc, gia đình rất khó khăn do nuôi 3 con nhỏ và mẹ già bị liệt nửa người. Công ty bỏ lửng bỏ lơ không biết bao giờ mới hoạt động trở lại”, chị Thoa nói.
Chủ tịch công đoàn xí nghiệp Lê Xuân Thường cho biết, khi xí nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động không hề có bất cứ thông báo nào.
Ông Thường cũng cho biết, khả năng phục hồi sản xuất của nhà máy là khá mong manh do hạ tầng cơ sở đã sập và hư hỏng nặng. Ngoài ra, do nhiều năm quản lý yếu kém nên xí nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Phụ trách xí nghiệp đã bỏ trốn, không liên lạc được, trong khi kế toán trưởng bỏ việc.
“Tâm tư của người lao động là xí nghiệp không hoạt động được nữa thì cho phá sản và giải quyết đầy đủ chế độ cho công nhân”, ông Thường nói.
Ông Trần Anh Chung - Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho hay, lãnh đạo huyện và tỉnh Thanh Hoá đã nắm sự việc, đang phối hợp với Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh và doanh nghiệp tìm hướng giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
“Có sai phạm”
Trả lời PV VTC News chiều 7/8, ông Đào Xuân Hồng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) thừa nhận có việc nợ lương, bảo hiểm của công nhân tại Xí nghiệp gạch Tuynel K2 Đông Văn.
“Từ cuối năm 2017, chúng tôi nhận nhiều đơn thư của công nhân kiến nghị về việc nợ bảo hiểm, chậm lương, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đã cử người vào điều hành hoạt động kinh doanh, tìm giải pháp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cho biết, do kinh doanh yếu kém trong thời gian dài nên Xí nghiệp Gạch Tuynel K2 Đông Văn rơi vào cảnh nợ nần, mất khả năng thanh toán.
Vẫn theo ông Hồng, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, Công ty cổ phần Hancorp 2 đã chỉ đạo làm rõ một số sai phạm theo phản ánh của người lao động, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ đưa ra pháp luật xử lý.
“Hiện, một số cá nhân đã thừa nhận có một số sai phạm trong quản lý điều hành. Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hancorp 2 đang tổng hợp để báo cáo Tổng công ty Xây dựng Hà Nội để có hướng xử lý”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, tới đây, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội sẽ ứng tiền để sửa chữa máy móc, trả lương cho công nhân, giúp Xí nghiệp Gạch Tuynel K2 Đông Văn khôi phục sản xuất.
“Về phương án lâu dài, chúng tôi sẽ mời nhà đầu tư, hợp tác cùng ngân hàng để giải quyết lương, bảo hiểm cho người lao động”, ông Hồng nói.
Vẫn theo ông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cũng đang lên phương án thoái vốn khỏi Hancorp 2.
Đề cập đến trách nhiệm trong việc làm mất vốn Nhà nước tại Xí nghiệp gạch Tuynen K2 Đông Sơn, lãnh đạo Hancorp cho rằng, do không quản lý trực tiếp mà có bộ phận khác điều hành quản lý, nên trách nhiệm liên đới của Hancorp là có, đơn vị cũng đang tìm cách tháo gỡ.