Sáng 15/9, lực lượng CSHS Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với các đơn vị chức năng đã bắt giữ được đối tượng Bùi Văn An (SN 1997, trú tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn. Đây là kẻ đã cùng với Bùi Văn Hiền (SN 1999, trú tại xã Thượng Cốc), ra tay sát hại anh Bùi Văn Nam làm nghề lái xe ô tô chở khách.
- Vụ bác sĩ sát hại vợ rồi ném xác xuống sông: Cả hai vừa cưới nhau được 5 tháng
- 17 ngày đêm truy bắt và đòn "cân não" đối tượng sát hại 2 vợ chồng ở Hưng Yên
Trước đó, ngày 6/9, Công an huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nhận được đơn trình báo của bà Bùi (SN 1948, trú tại xã Yên Nghiệp) về việc con trai bà là Bùi Văn Nam (SN 1982, trú tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn) vào ngày 4/9 đã chở khách bằng ô tô nhưng không thấy về nhà và không liên lạc được.
Quá trình điều tra, xác minh, đến ngày 11/9, các lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình đã phát hiện hiện chiếc xe ô tô của anh Nam đang được cầm cố tại hiệu cầm đồ ở đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lực lượng Công an đã tiến hành thu hồi, khám nghiệm chiếc xe và ghi nhận nhiều dấu hiệu bất thường.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an làm rõ 2 đối tượng đến cầm cố ô tô là Bùi Văn Hiền và Bùi Văn An. Đây cũng là 2 đối tượng đã thuê anh Nam chở vào lúc 2h sáng 4/9. Lập tức, lực lượng Công an đã đến nhà Bùi Văn Hiền, áp giải đối tượng về trụ sở Công an huyện Lạc Sơn đấu tranh.
Biết không thể chối cãi, Hiền khai nhận cùng với Bùi Văn An dùng dây dù siết cổ khiến anh Nam tử vong. Sau đó, 2 đối tượng vứt xác nạn nhân xuống khe núi đèo Thung Nhuối, cách Quốc lộ 6 khoảng 150m, rồi chiếm đoạt xe ô tô mang về Hà Nội đặt tại hiệu cầm đồ.
Từ lời khai của đối tượng Hiền, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của nạn nhân Bùi Văn Nam tại khe núi, thuộc đèo Thung Nhuối, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu. CQĐT Công an tỉnh Hòa Bình ngày 15/9 đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án giết người, cướp tài sản, xử lý nghiêm các đối tượng trước pháp luật.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi của 2 nghi can không những đã tước đi quyền được sống của người khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
“Chỉ vì mục đích có tiền tiêu xài, cả 2 nghi can đã lên kế hoạch, bàn bạc và thống nhất đi cướp tài sản của lái xe ô tô. Bọn chúng đã chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội là dây dù để khống chế nạn nhân. Sau đó, nghi can đã thuê xe ô tô của anh Nam điều đến địa điểm đã lên kế hoạch trước sát hại nạn nhân”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo đã thể hiện ý thức “giết trước, cướp sau”. Xét hành vi của 2 nghi can thấy đã cấu thành tội Giết người và tội Cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm g, n khoản 1 Điều 123 và Điều 168 BLHS 2015.
Đối với tội Cướp tài sản, 2 nghi can sẽ phải đối mặt hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt được là chiếc xe ô tô, cùng các tài sản khác (nếu có). Kết quả quả định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ làm căn cứ xử lý tương ứng theo định khung hình phạt được quy định tại Điều 168 BLHS 2015.
“Đây là vụ án đồng phạm giản đơn. Xét hành vi phạm tội của 2 nghi can có vị trí vai trò là ngang nhau. Quá trình thực hiện hành vi của cả 2 nghi can không còn tính người, sau khi sát hại dã man nạn nhân còn vứt xác nạn nhân tại khe núi. Nếu các nghi can có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thì cả 2 nghi can phải đối mặt với tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội là tử hình”, luật sư Thơm nêu quan điểm.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
n) Có tính chất côn đồ;
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
”