Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng có 6 người con học online, nhưng do nhà đông con khó khăn nên chỉ 3 cháu có điện thoại để học, 3 đứa còn lại phải đi học nhờ, học ké.
- Khó tin nhưng có thật: Nam Idol người Nhật 'gây sốc' khi chuyển nghề làm nữ diễn viên phim 18+
- Cường Đô La và màn 'lột xác' ngoạn mục sau 10 năm, dân mạng đổ xô khen bà xã Đàm Thu Trang quá 'mát tay'
Thầy hiệu trưởng cho mượn 1 chiếc điện thoại thông minh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm học mới 2021-2022, các cấp, ngành học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chính thức bước vào chương trình học kỳ I theo hình thức dạy học trực tuyến.
Năm học mới bắt đầu, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô càng khó khăn hơn, bởi ngoài việc đóng học, sách vở đầu năm cho con thì phải sắm thêm điện thoại thông minh, hoặc máy tính kết nối internet để con học online
Với gia đình khó khăn có 6 người con cùng học online như vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng (33 tuổi) và anh Nguyễn Công Trường (37 tuổi, trú tại thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội), việc có đủ điện thoại, máy tính cho con học không hề dễ dàng.
Tiếp PV trong căn nhà cấp bốn nằm sâu trong con ngõ nhỏ của thôn Phú Hạng, chị Hồng kể, hai vợ chồng có 7 người con, đứa lớn đang theo học lớp 10 tại một trường cao đẳng dạy nghề ở trung tâm Hà Nội, bé út năm nay 4 tuổi. Trong 7 người con thì hiện 6 cháu học online.
"Cháu học online nhỏ nhất là lớp 2, rồi đến lớp 3, lớp 4, lớp 7, lớp 9, lớp 10. Bé út 4 tuổi năm ngoái đi mẫu giáo, năm nay do dịch bệnh nên chưa đi...", chị kể.
Chị cho biết, vào ngày 2/9 vừa rồi các trường thông báo về việc chuẩn bị đến ngày 6/9 các con học online nên gia đình phải sắm điện thoại thông minh, hoặc máy tính có kết nối internet.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn lại bị ảnh hưởng của dịch bệnh hai vợ chồng không thể đi làm, đến ngày con học, thiết bị chưa có đủ.
Hiện trong số 6 người con của vợ chồng chị chỉ 3 cháu có điện thoại để học. 3 bé còn lại phải học nhờ nhà bên cạnh, hoặc học ké tiết mỗi khi các chị lớn ra chơi.
"Thầy hiệu trưởng trường THCS Tân Phú biết hoàn cảnh của gia đình đẻ đông con vất vả nên vào đầu năm học mới đã nhờ bác bảo vệ mang vào cho vợ chồng tôi mượn 1 chiếc điện thoại thông minh, để cho các con học.
Cộng với đó, vợ chồng tôi có 2 chiếc điện thoại từ trước nên có 3 cái điện thoại thông minh để 3 cháu lớp 7, lớp 9 và lớp 10 học. Còn 2 cháu lớp 2 và lớp 4 thì đi học nhờ nhà hàng xóm và nhà người thân. Bé trai học lớp 3 ở nhà tranh thủ các chị nghỉ giải lao giữa tiết thì vào học...", chị tâm sự.
Dù biết việc thiếu thiết bị cho các con học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học, nhưng do hoàn cảnh hiện quá khó khăn nên anh chị không thể làm gì hơn.
"Thấy các con phải đi học nhờ, phận làm mẹ tôi cũng tủi thân lắm, nhưng giờ chẳng có cách nào. Tiền thì không có, vay mượn hàng xóm, anh em nhiều rồi...", rưng rưng nước mắt chị Hồng nói.
Nghỉ làm do dịch Covid-19, cuộc sống thêm bội phần khó khăn
Chị kể, trước khi có dịch Covid-19 chồng làm xây dựng cho các nhà dân xung quanh, chị đi thầu sơn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Thu nhập của 2 người chỉ đủ trang trải cho 9 miệng ăn.
Khi dịch bùng phát, công việc 2 vợ chồng đình trệ, cuộc sống đã khó nay thêm khốn khổ trăm bề. Bởi việc lo cho các con ăn, sinh hoạt trong ngày vô cùng tốn kém.
"Chi phí trung bình cho 1 ngày ăn của cả nhà khoảng 200.000 đồng, cộng thêm việc học hành của các con, ma chay, đình đám, thăm hỏi người ốm đau, bệnh tật, cả nhà cũng lên đến hơn 10 triệu/tháng. Đó là đã chi tiêu tằn tiện.
Số tiền này 2 vợ chồng phải chạy vạy khó khăn lắm mới có, vì nhà đông con nên làm được đồng nào chi tiêu hết đồng ấy, chẳng có của ăn của để như người ta...", chị buồn bã tâm sự.
Do sinh nhiều con nên nhiều lúc vợ chồng chị cũng phải chịu những lời đàm tiếu không tốt.
"Nhiều lúc người ta bảo nhà mày nghèo sao đẻ lắm thế, đẻ như vậy lấy tiền đâu mà nuôi chúng nó...", người phụ nữ kể.
Nhưng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, 2 vợ chồng chị không ngừng cố gắng để có thể lo cho con khôn lớn, trưởng thành. Bởi theo chị, con cái là của trời cho, nhiều người ước mong còn không được.
"Cách đây 4 - 5 năm thì vất vả không nói hết bằng lời được, như đứa út đẻ năm 2017, khi đó mới sinh được 14 ngày tôi đã ra quận Nam Từ Liêm để làm sơn, phụ sơn. Công trình năm đó thi công nhà 3 tầng, tôi vẫn leo phăm phăm 3 tầng giáo, nhiều người còn không biết mới sinh con xong.
Đến khi có người làng đi làm gặp thấy tôi đang trèo giáo lăn sơn họ mới ngỡ ngàng bảo sao đi làm sớm thế, tôi chỉ cười trừ đáp "không làm lấy gì mà ăn"...", chị thẹn thùng nói rồi ôm con gái út vào lòng.
Giờ 4 người con gái lớn nên phụ giúp 2 vợ chồng chị rất nhiều. Buổi sáng, đứa lớn dậy sớm lo cơm cho cả gia đình, 3 bé kế tiếp gọi các em dậy ăn sáng, đánh răng, rửa mặt. Nếu bố mẹ đi làm về nhà đến bữa đã có cơm, canh.
Chị sinh tới 8 người con (một bé mất khi mới sinh được 22 ngày) thì 6 đứa đẻ ở trạm xá, 1 bé đẻ rơi ở nhà vào đúng đêm Giao thừa năm 2016, 1 bé sinh tại Bệnh viện Việt Đức.
Do sinh con liên tiếp, nhà nghèo nên có bé chỉ 2 tuần tuổi chị đã tập cho con ăn bột dặm và khoảng 1 tháng sau cho ăn cháo.
"Đứa nào cũng chỉ 1-2 tháng là đã ăn cháo ngon lành, mẹ đi làm xa được rồi. Nhà con đông mà không thế thì cũng chết, đành phải liều chứ biết làm thế nào được.
Trộm vía các con giờ đều khoẻ mạnh, không đứa nào bị đường tiêu hoá, bản thân tôi cũng khoẻ, chưa có biểu hiện gì về sức khoẻ của phụ nữ sinh nhiều con. Hy vọng những năm tháng về già không bị ảnh hưởng gì...", chị cười trừ.
Trong ký ức của bà mẹ sinh 8 người con này, bé thứ 6 sinh vào năm 2014 (đang học lớp 2) là khó sinh nhất.
Ngày ấy, theo giấy siêu âm chỉ còn 3 ngày nữa sinh nhưng bất ngờ toàn thân chị da chuyển màu vàng như nghệ, khó thở.
Vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, chị được các bác sỹ thông báo bị thiếu hồng cầu, máu loãng, nếu đẻ thì không giữ được mẹ. Lúc này, các bác sỹ bảo gia đình làm giấy cam kết bởi đẻ có thể tử vong.
"Khi đó, tỷ lệ tử vong của tôi là rất cao lên đến 80%. May mắn, đẻ xong 2 mẹ con khoẻ mạnh và được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị...", chị nhớ lại.
Sau thời gian dài nằm bệnh viện Bạch Mai, chị được bác sỹ chẩn đoán chị mắc bệnh viêm gan E. Điều trị bệnh khỏi được 60 - 70%, chị xin về nhà vì lúc này không còn tiền tiếp tục chữa bệnh. Tất cả vốn liếng 2 vợ chồng dành dụm đều chi tiêu hết và phải vay thêm 2 bên nội ngoại.
"Lúc đó nghĩ nếu nằm viện mãi không phải chết vì bệnh mà cả nhà chết vì đói, nên tôi quyết định xuất viện về nhà. Về nghỉ ngơi được mấy hôm lại tiếp tục đi làm, may mắn sau đó bệnh tình không trở nặng và vẫn khoẻ đến bây giờ...", người mẹ 33 tuổi chia sẻ.
Nhắc đến tương lai của các con, chị nói đứa nào học giỏi, ham học thì dù có khổ đến mấy 2 vợ chồng cũng sẽ cố gắng cho các con ăn học. Còn không thì sẽ cố gắng cho 7 đứa học hết cấp 3 rồi kiếm ngành nghề phù hợp để làm.
Người phụ nữ 33 tuổi trầm tư nói: "Ở đây nhiều người đi lao động ở nước ngoài lắm, đi mấy năm về là có vốn làm ăn. Nhà tôi đông con nếu con chị đi thì có thể đỡ đần đưa con em đi cùng. Mình thì tính thế chứ không biết bọn trẻ nó nghĩ gì. May mắn đến giờ các con đều ngoan, nghe lời bố mẹ và rất thương em, tương lai thì không nói trước được...".
Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, tại địa phương gia đình chị Nguyễn Thị Hồng thuộc diện hộ cận nghèo. Trong năm vừa rồi, gia đình chị được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với người thất nghiệp vì Covid-19.
"Các con của vợ chồng Hồng đi học cũng được nhà trường, giáo viên tạo điều kiện giúp đỡ. Mỗi khi chính quyền, các mạnh thường quân có chính sách giúp đỡ người dân trong xã thì gia đình này đều được ưu tiên...", vị chủ tịch xã thông tin.