Vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán, kết luận thanh tra về chất lượng lát đá vỉa hè bất ngờ được UBND TP Hà Nội công bố. Điều đáng nói, việc công bố kết luận vốn được người dân và cả báo giới chờ đợi lại vào đúng ngày làm việc cuối cùng của năm Đinh Dậu, trước kỳ nghỉ Tết.
- 3 tạ nội tạng thối suýt đầu độc dân ngày Tết
- Hà Nội: Mâu thuẫn khi mổ lợn cuối năm, 1 người bị đâm tử vong
Theo kết luận này, hàng loạt tồn tại trong việc thực hiện lát đá vỉa hè trên các tuyến phố của Thủ đô đã được chỉ ra. Đầu tiên là tồn tại trong thiết kế mẫu, khiến có 25/38 dự án dùng đá 1x2, 13 dự án còn lại dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè, tại một số dự án, đá được lát sít nhau, dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng đến chất lượng hè. UBND TP Hà Nội chỉ rõ trách nhiệm trên thuộc về phòng Quản lý xây dựng – Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty CP tư vấn và đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập thiết kế mẫu). Ngoài ra, Phòng Quản lý xây dựng còn phải chịu trách nhiệm về việc không hướng dẫn chung quy trình thi công, nghiệm thu và việc bảo trì mặt hè sau khi lát, dẫn đi đến công khác nhau, chất lượng công trình không được đảm bảo.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm của các cấp cơ sở, cụ thể là UBND các quận chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng vỉa hè đã tiến hành chỉnh trang, như quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Đơn cử, dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang – Ba La) không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2013 – 2015 của quận Hà Đông, nhưng vẫn được đầu tư; hay việc TP chỉ phê duyệt sử dụng vốn đấu giá quyền sử dụng đất để lát đá cho 2 tuyến, nhưng Hà Đông “tiện tay” làm cho cả các tuyến khớp nối mà không báo cáo UBND TP. Một số quận chấp thuận đầu tư ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định, như Long Biên (2 dự án), Hà Đông. Một số dự án chưa làm đồng bộ hạ tầng ngầm khi cải tạo (dẫn đến việc lát xong có thể lại phải lật lên để hạ ngầm), như Ba Đình, Hà Đông.
Việc khảo sát hiện trạng vỉa hè trước khi cải tạo còn chưa chi tiết, thiết kế chưa đầy đủ như 19 dự án tại 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. 34 dự án khác tại 8 quận (Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trung, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình) thiết kế kết cấu hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè. Kết luận thanh tra cũng cho biết, trong khi đa phần các dự án lát đá kích thước 40x40x4 cm, thì đá kích thước nhỏ 30x30x4 cm sẽ khó vỡ hơn khi chịu tác động của ngoại lực.Trách nhiệm những tồn tại trên trước hết thuộc về các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án, đơn vị thẩm tra thiết kế - dự toán, đơn vị thẩm định thiết kế dự án của cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là giám đốc ban quản lý dự án các quận đã được điểm danh phía trên.
Việc xác định giá đá lát, tính đơn giá nhân công cũng được chỉ ra không ít tồn tại. Giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất, nơi thấp nơi cao (giá đá 40x40x4 cm tại Nam Từ Liêm tính là 270.000 – 300.000 đồng/m2, nhưng qua đến Hà Đông có giá là 410.000 đồng/m2, đặc biệt các dự án ở quận Hoàn Kiếm đá kích thước 40x40x5 cm có giá 550.000 đồng/m2). Đơn giá nhân công, đơn giá máy của các quận cũng khác nhau, như Hoàn Kiếm áp dụng đơn giá nhân công 116.952 đồng/m2, đơn giá ca máy 34.929 đồng/m2; nhưng đơn giá nhân công của Long Biên rẻ bằng gần 1/10, tương đương 19.974 đồng/m2, đơn giá ca máy cũng chỉ có 4.448 đồng/m2; Ba Đình áp dụng đơn giá nhân công 20.952 đồng/m2, đơn giá ca máy 0 đồng/m2. Thanh tra TP Hà Nội cho rằng việc áp dụng đơn giá không đồng nhất đã dẫn đến việc “hiểu không đúng của các DN, người dân và dư luận”.
Trong đấu thầu, thi công dự án, Thanh tra TP cũng chỉ ra việc 5 dự án tại Ba Đình thiếu kiểm tra đá lát tại nơi sản xuất, thi công chưa cuốn chiếu mà làm nhiều đoạn khác nhau, vật liệu để chưa gọn gàng làm người dân đi lại khó khăn; 3 dự án tại Cầu Giấy chậm tiến độ từ 7- 10 tháng, gây dư luận xấu trong xã hội; một số dự án thi công mặt cắt chưa đúng thiết kế, chưa phá dỡ các bệ, bục lấn chiếm, làm tuyến vỉa hè đã được thi công vẫn chưa được “chỉnh trang”. Chất lượng đá, bê tông lót nền của một số dự án cũng chưa đảm bảo như mẫu đá ở Giang Văn Minh, Đội Cấn, Hàng Bún (quận Ba Đình), Vệ Hồ, Nhật Chiêu, Trịnh Công Sơn (Tây Hồ) chưa đảm bảo độ dày; chiều dày của đá lát rãnh ghé một số dự án cũng chưa đảm bảo; một số dự án có mẫu bê tông không đạt cường độ chịu nén theo thiết kế; chiều dày lớp vữa xi măng lót không đều... Tất cả những tồn tại này khiến một số vị trí bị vỡ, bong tróc.
Kết cấu hè thiết kế không đủ khả năng chịu tải trọng như phố Vạn Phúc (Ba Đình), Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm)... nhưng UBND các quận lại cấp phép cho đỗ ô tô trên vỉa hè, dẫn đến hỏng kết cấu hè. Ngoài ra, tại vi trí tiếp giáp các hạng mục nhà ga thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và một só dự án chung cư, các chủ đầu tư đã để vật liệu xây dựng, xe ô tô tải trọng lớn đi lên, tự ý đấu nối hạ tầng kỹ thuật trên vỉa hè gây sạt, lún, bong bật, vỡ đá lát như dự án tòa nhà Ecoba-Machinco, chung cư Ellipse, chung cư Booyong Vina, tòa tháp thiên niên kỷ, chung cư Samsora, chung cư FLC... gây dư luận xấu trong nhân dân.