GS Nguyễn Văn Tuấn: 5 yếu tố khiến người tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn có thể mắc Covid-19

Xã hội 14/09/2021 08:09

Hiện tượng bị nhiễm virus sau khi tiêm vaccine (đầy đủ 2 liều) không phải là mới. Trong dịch tễ học, người ta gọi đó là những ca "nhiễm đột phá".

Nhiễm đột phá xảy ra không phổ biến. Theo một nghiên cứu ở Anh, cứ 500 người tiêm vaccine đầy đủ thì sẽ có 1 người bị nhiễm. Do đó, các bạn có thể nói rằng xác suất đã tiêm vaccine bị nhiễm SARS-CoV-2 là khoảng 0.2%, tức là thấp. Ở Mỹ, số liệu của CDC cho thấy tỉ lệ này là 0.01% .

Nhưng không phải ai cũng có xác suất nhiễm đột phá như nhau. Có người có nguy cơ cao, người có nguy cơ thấp. Vậy câu hỏi đặt ra là yếu tố nào có thể nhận dạng những người có nguy cơ nhiễm cao hay thấp? 

Yếu tố 1: Loại vaccine

Chúng ta đã biết rằng vaccine chống Covid-19 có nhiều loại và được bào chế khác nhau. Chẳng những thế, hiệu quả của vaccine cũng có thể khác nhau. Nếu dựa vào thử nghiệm lâm sàng thì hiệu quả vaccine của Pfizer là 95%, Moderna 94%, AstraZeneca 70-81% (tuỳ thời gian tiêm). 

Xin nói thêm rằng khi nói 'hiệu quả 95%' không có nghĩa là cứ 100 người tiêm thì 95 người sẽ không bị nhiễm. Hoàn toàn không phải như vậy. Nó có nghĩa là xác suất bị nhiễm ở những người được tiêm vaccine thấp hơn 95% xác suất ở những người không tiêm vaccine.

Đơn vị tính toán của hiệu quả là xác suất, không phải cá nhân. Mà, xác suất thì áp dụng cho một nhóm người, không phải cho một cá nhân. Một nhóm người sẽ có người bị nhiễm và người không bị nhiễm. Còn cá nhân thì chỉ bị hay không bị, chứ không có xác suất nhiễm. Điều này có nghĩa là con số hiệu quả vaccine chỉ áp dụng cho 1 quần thể hay nhóm người, nó không có ý nghĩa thực tế cho 1 cá nhân.

GS Nguyễn Văn Tuấn: 5 yếu tố khiến người tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 - Ảnh 1
Tiêm vaccine cho người dân tại TP.HCM
 

Yếu tố 2: Thời gian giữa 2 liều

Theo kết quả nghiên cứu vaccine AstraZeneca báo cáo trên Lancet [1], thì khoảng cách thời gian mà vaccine có hiệu quả cao nhất là chừng 3 tháng. Các chuyên gia lý giải rằng 3 tháng là thời gian đủ để cơ thể chúng ta 'làm quen' với vaccine trước khi nhận liều mới. Các bạn có thể đọc xem biểu đồ mà tôi trích dẫn dưới đây để thấy khoảng 12 tuần là tối ưu. Khi khoảng cách giữa 2 liều là 12 tuần thì hiệu quả vaccine lên đến 81%, nhưng khi khoảng cách 6 tuần thì hiệu quả chỉ 55%.

Đó cũng chính là lí do mà Úc chọn khoảng cách 3 tháng để đạt hiệu quả cao nhất.

GS Nguyễn Văn Tuấn: 5 yếu tố khiến người tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 - Ảnh 2
Mối liên quan giữa thời gian giữa 2 liều vaccine và hiệu quả vaccine AstraZeneca. Thời gian 3 tháng trở lên có hiệu quả cao hơn thời gian dưới 3 tháng.

Yếu tố 3: Thời gian của hiệu quả

Không có vaccine nào có hiệu quả mãi mãi, mà chỉ trong một thời gian. Theo nghiên cứu (chưa qua bình duyệt) thì hiệu quả của vaccine Pfizer có vẻ suy giảm sau 6 tháng sau liều thứ 2 [2]. 

Yếu tố 4: Biến thể của virus

Lý do thứ tư là virus có biến thể giúp nó thoát khỏi tầm kiểm soát của hệ miễn dịch. Chất liệu di truyền của virus nCov là RNA (khác với con người là DNA). RNA có mức độ đột biến nhanh hơn DNA. Khi chúng ta có vaccine để chống, thì virus đã biến thể sang dạng khác rồi, vì chúng thường đi trước con người rất xa.

Điều này có thể giải thích tại sao virus bị đột biến có thể thoát khỏi 'radar' của hệ miễn dịch. Đó là lý do mà giới khoa học quan tâm khi Ấn Độ phát hiện một biến thể mới vì nó có thể làm cho vaccine hiện hành kém hiệu quả.

Yếu tố 5: Tuổi tác và sức khoẻ

Lý do thứ năm là độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, và nhất là tiền sử dùng thuốc. So với những người trẻ, hệ miễn dịch ở người cao tuổi không đáp ứng tốt với các kháng nguyên mới.

Đã có nghiên cứu giải thích về sự tương quan giữa tuổi tác và đáp ứng miễn dịch ở những người được tiêm vaccine Pfizer [4]. Do đó, tôi đoán rằng những ca bị nhiễm đột phá có thể (tính trung bình) cao tuổi hơn những ca không bị nhiễm đột phá.

Tóm lại, điểm qua y văn, tôi nghĩ lý do bị nhiễm dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine là do (a) loại vaccine; (b) khoảng cách thời gian giữa 2 liều chưa đủ tối ưu hoá hiệu quả của vaccine; (c) hiệu quả của vaccine suy giảm theo thời gian; (d) biến thể của virus; và (e) các yếu tố liên quan đến tuổi tác và bệnh lý đi kèm.

Dù lời giải thích là gì thì chúng ta phải nhận thức rằng tiêm vaccine đầy đủ 2 liều vẫn có nguy cơ bị nhiễm (dù nguy cơ rất thấp). Cần nhớ rằng vaccine tuy quan trọng nhưng không phải là 'viên đạn bạc' phòng chống dịch COVID-19 mà các chuyên gia WHO đã cảnh báo. Các biện pháp y tế công cộng (như hạn chế tụ tập đông người) vẫn phải áp dụng một thời gian

Vụ xe tải 'giấu' 15 người trong thùng đông lạnh để thông chốt: Nếu bắt buộc họ quay trở về nơi xuất phát thì sẽ rơi vào cảnh éo le hơn nữa

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh không buộc 15 người trốn trong thùng đông lạnh trên xe phải quay về nơi xuất phát mà sẽ giao đơn vị chức năng bố trí nơi cách ly, để họ ăn uống, nghỉ ngơi.

TIN MỚI NHẤT