Khi đang ngủ, bà H. bất ngờ thấy tiếng sột soạt và cảm thấy đau nhói trong tai nên đã đến bệnh viện kiểm tra và bất ngờ phát hiện gián đất trong tai.
Bà V.T.H. (54 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) thường có thói quen trải đệm ngủ dưới sàn nhà. Vào tối 18/10, trong khi đang ngủ bà nghe tiếng sột soạt, cảm giác đau nhói sâu bên trong tai. Lo lắng, bà H. đã đến một bệnh viện gần nhà để kiểm tra.
Tại đây, bác sĩ phát hiện trong tai bà H. có một con gián đất, nhưng không thể gắp ra được do các gai chân của con gián găm vào da ống tai, chỉ cần chạm nhẹ bệnh nhân đã đau nhói. Sau đó bệnh quyết định tới Bệnh viện Đa khoa Medlatec để được thăm khám.
Sau khi thăm khám và thực hiện các chẩn đoán cần thiết, bác sĩ đã khéo léo loại bỏ con gián ra khỏi tai bà H. một cách an toàn. Kết thúc thủ thuật, ống tai bệnh nhân nguyên vẹn, không chảy máu, không ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Bác sĩ Nguyễn Phương Dung - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đa khoa Medlatec khuyến cáo, côn trùng chui vào tai có thể gây ra tác hại không mong muốn, vì thế người dân tuyệt đối không được xem nhẹ vấn đề này.
Do đó, khi phát hiện tai đau nhói, nghe tiếng lạ trong tai, nghi ngờ có côn trùng chui vào tai, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng càng nhanh càng tốt. Bác sĩ sẽ lấy côn trùng ra cũng như xử lý những tổn thương do côn trùng gây ra.
Khi xử lý côn trùng chui vào tai không được sử dụng các dụng cụ để ngoáy móc, không tự nhỏ thuốc hay oxy già vào tai. Điều này vô tình có thể đẩy côn trùng vào sâu hơn hoặc côn trùng giãy đạp làm tổn thương niêm mạc ống tai, khiến việc loại bỏ chúng càng thêm khó khăn.
Đặc biệt, cần lưu ý là không thực hiện các phương pháp dân gian để xử lý khi bị côn trùng chui vào tai. Những phương pháp như hơ lá, xông hơi… không chỉ không có tác dụng mà còn khiến côn trùng hoảng sợ, chạy càng sâu hơn.