Từ 15 giờ ngày 23/5, xăng E5 RON92 tăng 674 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 669 đồng/lít. Ngược lại, dầu diesel giảm 1.097 đồng/lít, dầu hỏa giảm 763 đồng/lít và dầu mazút giảm 962 đồng/kg.
- Giá xăng 'tăng' cao kỷ lục trong hôm nay (11/5), gần chạm mốc 30.000 đồng/lít
- Giá xăng ngày mai (11/5) 'rục rịch' tăng mạnh, vượt mốc 30.000 đồng/lít?
Theo chia sẻ thông tin từ VOV, Liên Bộ Công Thương - Tài chính mới có thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, áp dụng từ 15h00 ngày 23/5. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 674 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành và không cao hơn 29.633 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tăng 669 đồng/lít và giá bán mới là 30.657 đồng/lít.
Giá dầu diezen 0.05S giảm 1.097 đồng/lít và giá bán mới là 25.553 đồng/lít; Giá dầu hỏa không cao hơn 24.405 đồng/lít khi được điều chỉnh giảm 763 đồng/lít; Giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 962 đồng/kg nên giá bán mới rút xuống 20.598 đồng/kg.
Kỳ điều hành lần này, liên Bộ không thực hiện trích lập Quỹ BOG xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92 và xăng RON95 (kỳ trước là 100 đồng/lít). Trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 400 đồng/kg. Chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), các mặt hàng dầu không chi.
Bên cạnh đó, dẫn tin từ Vietnamnet, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới trong hơn 10 ngày qua có nhiều biến động lớn. Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực Châu Âu) tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc cấm vận đối với các sản phẩm từ Nga, trong khi đó tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp. Về nhu cầu, thị trường kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu một số mặt hàng xăng, dầu tăng khi đang vào mùa lái xe mùa hè tại nhiều nước Châu Âu, Mỹ, tuy nhiên do đang vào mùa Hè nên nhu cầu nhiên liệu phục vụ việc sưởi ấm giảm. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng tăng khá cao và các mặt hàng dầu giảm so với kỳ trước.
Kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG nhằm vừa hạn chế mức tăng của giá xăng trong nước vừa bảo đảm duy trì Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong giai đoạn tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Bên cạnh đó, Liên Bộ quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu nhằm duy trì Quỹ BOG để có công cụ điều hành trong thời gian tới. Việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.